MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh chen chúc mua vé vào chùa. Ảnh: Phương Trang

Du xuân đầu năm: Xếp hàng 2 tiếng mới mua được vé vào tham quan

Phương Trang LDO | 31/01/2023 10:16

Những ngày đầu xuân Quý Mão, người dân nô nức kéo nhau đến các địa điểm du lịch tâm linh để du xuân và đi lễ. Chính vì vậy, nhiều điểm như đền, chùa, khu du lịch luôn trong tình trạng đông nghịt.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu. Người dân Việt đi chùa cầu cho năm mới bình an, may mắn.

Nguyễn Phương Trang (22 tuổi, Thanh Hoá) nhớ lại cảm giác rất háo hức khi dịp Tết cùng gia đình đi du lịch. Bên cạnh việc đi chúc Tết bên nội, bên ngoại, những ngày nghỉ không còn cảnh ngủ vùi cả ngày.

Du lịch vào dịp nghỉ lễ lớn nhất trong năm, bạn trẻ này mong có thật nhiều kỉ niệm đẹp, chụp những bức hình ưng ý. Vì vậy, Trang đã từng mong nhanh đến mùng 8 Tết để được khởi hành đầu năm.

Gia đình của Trang đã đăng kí đi theo tour thay vì tự túc đi tham quan. Điểm đến trong dịp này của gia đình là chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

Khi bước chân vào địa phận của chùa, Trang bị choáng ngợp trước cảnh đông đúc của du khách thập phương. Mọi lối đi, khu vực trong chùa đều đông nghịt người.

Xếp hàng 2 giờ mua vé vào chùa Tam Chúc. Ảnh: Phương Trang

“Mệt mỏi nhất là chúng tôi phải xếp hàng hai giờ mới mua được vé tham quan. Khi đó, trời nắng khô hanh, ai cũng khát khô họng, mệt mỏi. Chưa bước vào chùa đã muốn chùn chân” – Trang kể lại.

Dòng người ùn ùn đổ về chùa Tam Chúc, Trang muốn chụp một bức hình làm kỉ niệm cũng khó vì chỗ nào cũng đông nghịt người. “Ban đầu, tôi rất háo hức, nhưng đến nơi mới thấy mệt mỏi nhiều hơn cảm giác vui xuân, trải nghiệm. Gia đình tôi xuất phát từ 7h sáng mà tới 19h cùng ngày mới về được đến nhà. Ai nấy đều phờ bạc, ngán ngẩm” – bạn trẻ này nói thêm.

Với Quỳnh Anh (23 tuổi, Hà Nội) đến Tràng An (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), mỗi dịp Tết đến, gia đình nội, ngoại lại lên kế hoạch đi vãn cảnh, lễ chùa. Năm nay, gia đình Quỳnh Anh lựa chọn Tràng An là điểm tới đầu xuân năm mới.

Tràng An đông đúc ngày đầu năm. Ảnh: Quỳnh Anh

“Năm nay gia đình tôi quyết định đi Tràng An vào ngày mùng 7 Tết. Bạn bè tôi đi Tràng An hôm mùng 6 có nói du khách rất đông. Chúng tôi đi còn bị tắc trong hang 40 phút”, bạn Quỳnh Anh cho biết.

Quỳnh Anh chia sẻ thêm, giá vé vào cổng Tràng An mới là 250.000 đồng/người lớn và 120.000 đồng/trẻ em; vào Tràng An cổ là 70.000 đồng/người.

“Gia đình tôi xếp hàng ở Tràng An tới 2 tiếng mới mua được vé. Sau đó lại đứng đợi ba tiếng nữa để đến lượt lên thuyền. Chúng tôi an ủi nhau đã đâm lao thì phải theo lao, nhưng thực sự chuyến đi quá mệt mỏi...”, bạn Quỳnh Anh kể lại.

Anh Phan Quân (ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bắt đầu đi du xuân vào ngày mùng 4 Tết. Điểm đến anh chọn năm nay là Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh.

Anh Quân cho rằng, thông thường ngày 14 tháng Giêng âm lịch, du khách thập phương đổ về Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) hành lễ rất đông vì là ngày khai hội.Vì vậy, anh sẽ đi vào thời điểm trước đó. Tuy nhiên, lối vào khu vực đền cũng khá đông đúc. Hôm đó, chủ yếu là người dân địa phương đi du xuân đầu năm.

Anh Quân đi Đền Bà Chúa Kho vào ngày mùng 4 Tết. Ảnh: Phan Quân

“Tôi cho rằng đi du xuân đầu năm để tận hưởng không khí mùa xuân, giúp tâm hồn thư thái, mong may mắn bình an cho năm tới. Đi đến đền, chùa đầu năm nên lựa chọn thời điểm không quá đông đúc, để tránh được sự căng thẳng, mệt mỏi khi phải chen lấn, xô đẩy” – anh Quân chia sẻ.

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn