MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Du xuân dịp Tết: Ngán ngẩm cảnh chen chúc

LƯƠNG HẠNH LDO | 29/01/2023 10:20

Nhiều người lựa chọn không đi chơi, thăm thú dịp Tết vì ngán ngẩm cảnh chen chúc, chật chội. 

Sáng 27.1 (tức mùng 7 tháng Giêng), khu vực bán vé du thuyền và xe điện tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) chật kín khách. Ban quản lý chùa đã tổ chức hơn 10 điểm tư vấn bán vé nhưng không có nhân viên phân luồng dẫn đến tình trạng du khách nhốn nháo, chen lấn. Mỗi lượt có thể mất 10-15 phút xếp hàng mới mua được vé.

Cùng ngày, đông đảo người dân đã đổ về Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương, thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội) trẩy hội gây nên tình trạng ùn ứ ở chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội).

Từ chiều đến đêm mùng 7, nối sang ngày mùng 8 tháng Giêng, cả vạn lượt người từ khắp nơi đã đổ về chợ Viềng Phủ Dầy (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) để mua bán, lễ lạt nhằm cầu tài lộc, may mắn trong năm mới Quý Mão 2023.

Từng là người rất hay đi đền, chùa vào các dịp Lễ, Tết nhưng hiện tại, anh Việt Anh (Lào Cai) đã hạn chế đến những nơi này vào các ngày lễ lớn.

 Anh Việt Anh hạn chế đi đến nơi đông người vào những ngày lễ, Tết. Ảnh: Lương Hạnh.

"Năm 2019, tôi cùng bố mẹ và các cháu đến ngôi đền lớn ở quê. Lượng khách đổ đến đông đến nỗi tôi liên tục phải bế cháu trên tay. Chỉ mới đặt bé xuống một lát để đi lấy xe mà lạc mất, cả nhà tá hỏa đi tìm. May mắn là cháu chỉ chơi với một con chó cách đó 200m. Bây giờ không chỉ riêng việc đi du xuân đầu năm mà bất cứ dịp nào ở chỗ đông người tôi đều hạn chế tới", anh Việt Anh cho hay.

Chị Đinh Hoàng Trang (Hà Nội) cho rằng: Người Việt coi Tết là dịp để đi chơi “xả hơi”, có người chọn đi du lịch có người đi chùa vãn cảnh, xin lộc đầu năm, cũng có những người chỉ đến nhà họ hàng, bà con cô bác, bè bạn thăm hỏi, chúc Tết. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, bộn bề, nhưng Tết đến, dường như tất cả mọi người đều tạm quên những phiền lo của năm cũ để đón chào một năm mới rực rỡ, nhiều may mắn.

"Với tôi du xuân không cần phải đến những nơi ồn ào, náo nhiệt. Du Xuân chỉ đơn giản là ra khỏi nhà, tận hưởng không khí mùa Xuân ấm áp, ngắm nhìn vạn vật nảy nở, sinh sôi. Cả một năm làm việc bận bịu, vất vả thì đây là lúc để chúng ta sống chậm lại thay vì vội vã, chen chúc, xô đẩy nhau...", chị Trang bày tỏ. 

Tết năm nay, chị Trang cùng gia đình đến thăm họ hàng vào các ngày mùng 2, mùng 3 Tết và đã quay trở lại công việc từ ngày mùng 6 Tết Âm lịch. Chị dự định sẽ đưa cả nhà đi du lịch Phú Quốc (Kiên Giang) vào cuối tháng 2.2023.

Ngoài việc bị ám ảnh cảnh chen chúc đông người, chị N.T.T (Hà Đông) còn bị đối tượng xấu móc túi vào sáng ngày mùng 3 Tết Nguyên đán 2023. Mất tiền bạc và giấy tờ đầu năm khiến chị cảm thấy rất chán nản. 

“Biển người” chen chúc, ùn ùn đổ về chợ Viềng Phủ Dầy ngày mùng 7 - 8 Tết Âm lịch 2023. Ảnh: Trung Du.

"Du xuân đầu năm là một phong tục lâu đời của người Việt. Đầu năm đi lễ đền, chùa để cầu bình an, may mắn. Chuyện bị móc túi không ai mong muốn xảy ra. Tôi nghĩ bây giờ mình bị móc mất tiền thì trong năm sẽ có nhiều sự may mắn bù đắp lại", chị T nói.

Cũng theo chị T, nếu đã chọn đi du xuân dịp đông người như thế này cần phải có sức khỏe tốt để di chuyển. Bên cạnh đó, người dân cần tỉnh táo, không nên mang nhiều tiền bạc, đồ đạc có giá trị lớn theo người, tránh các đối tượng xấu tiếp cận, chiếm đoạt tài sản. 

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn