MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên chuyển dưa từ nơi tập kết đến các điểm bán tại TP.Tam Kỳ. Ảnh: Phan Vinh

Dưa hấu rớt giá, đừng nặng lời với nông dân!

Vĩnh Linh LDO | 20/04/2017 11:01
Có ý kiến cho rằng dưa hấu không bán được, lỗi hoàn toàn do người nông dân là chưa hợp lý. Vậy trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ở đâu?
Thời gian gần đây, người trồng dưa tại tỉnh Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung lại thêm một phen điêu đứng khi giá dưa giảm còn chỉ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg, dù mức giá rẻ như cho nhưng vẫn không có người mua.

Mặc dù, nhiều năm liên tục rơi vào tình cảnh được mùa, mất giá nhưng có thể nói chưa có năm nào người trồng dưa hấu lại khó khăn như năm nay. Nguyên nhân là do thời tiết bất lợi, phải gieo trồng dưa lại nhiều lần, đến khi thu hoạch lại không có người mua, nguy cơ người trồng dưa trước cảnh trắng tay, khốn khó.

Tuy nhiên, điều đáng nói là một số cán bộ chính quyền địa phương cho rằng nguyên nhân chính là do người dân không rút kinh nghiệm, sau nhiều lần thất bại!. Theo chúng tôi ý kiến trên là chưa xác đáng, việc đổ lỗi hoàn toàn cho người nông dân là chưa hợp lý, né tránh trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Có thể nói việc người trồng dưa nhiều năm liền rơi vào tình cảnh này một phần là do người nông dân chưa tìm ra cây trồng mới để thay thế cây dưa hấu. Chỉ trừ một số nông dân sản xuất, kinh doanh lớn, làm ăn có lãi, còn lại đa số nông dân chỉ biết cấy, trồng để nuôi sống bản thân và gia đình, số nông sản làm ra họ đem bán lấy tiền trang trải cuộc sống.

Những năm gần đây, do tác động của công cuộc đổi mới, thực hiện cơ chế thị trường người nông dân bắt đầu biết trồng cây chuyên canh, cây có giá trị kinh tế cao để bán ra thị trường, xuất khẩu sang các nước cải thiện đời sống, tuy nhiên cũng phải tùy vào điều kiện đất đai, thổ nhưỡng mà họ chọn cây trồng gì trên đó.

Do đó, dù biết giá cả bấp bênh, lên xuống thất thường nhưng đôi khi người nông dân “lực bất tòng tâm”, chẳng thể làm gì ngoài việc phải trồng cây phù hợp với khả năng canh tác và phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu.

Ví dụ như cây dưa hấu thì theo người nông dân ở Quảng Ngãi là một trong những cây trồng mang lại lợi nhuận cao nếu được mùa, được giá, nhất là người nông dân phải chọn cây dưa hấu mà không thể trồng loại cây khác, chuyển đổi mô hình khác...

Vì vậy, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng liên quan cần phải chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đầu ra cho nông dân. Tiếp đến là phải tìm cây trồng, mô hình sản xuất nông sản phù hợp để người dân chuyển đổi, thay thế cây trồng, tập quán canh tác để giúp người dân thoát cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hoặc bị thương lái ép giá, đầu cơ...

Có thể nói dù có nhiều thay đổi trong phương thức canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật nhiều hơn nhưng đa số nông dân nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề tiếp cận thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Do đó, trách nhiệm của cán bộ, chính quyền địa phương là phải tìm ra các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao, giá cả ổn định để hướng dẫn, giúp nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, phải giúp nông dân tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, bền vững, độ tin cậy cao thay vì đổ lỗi cho nông dân khi nông sản ế ẩm, mất giá như hiện nay.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn