MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nghệ nhân huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) biểu diễn những làn điệu hát bài chòi tại lễ khai mạc lớp tập huấn đưa hát bài chòi vào trường học. Ảnh: Thái Bình

Đưa nghệ thuật dân gian vào trường học: Cần cân nhắc hiệu quả

QUANG ĐẠI LDO | 22/11/2022 08:44

Việc đưa các môn nghệ thuật dân gian vào trường học nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tuy nhiên thực tế có đạt được hiệu quả như mong muốn hay không là vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, từ nhiều năm qua, hai địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động đưa dân ca vào trường học. Hoạt động này được chú trọng hơn sau khi dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014.

Nhiều trường học đã thành lập các câu lạc bộ dân ca Ví Giặm. Một số nghệ nhân đã tổ chức giới thiệu, truyền dạy Ví Giặm cho học sinh, một số làn điệu Ví Giặm được biểu diễn tại một số sinh hoạt văn nghệ tập thể của nhà trường, địa phương... Một số địa phương tổ chức tập huấn cho giáo viên và học sinh về dân ca Ví Giặm.

Các thành viên Câu lạc bộ dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh Trường Tiểu học Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Ảnh: Thùy Linh

Sau khi nghệ thuật hát bài chòi được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017, nhiều địa phương có loại hình nghệ thuật này như Bình Định, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam... cũng tiến hành đưa bài chòi vào trường học với các hoạt động tương tự Nghệ An - Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, qua ghi nhận từ thực tế, hiệu quả của các hoạt động đưa dân ca, nghệ thuật dân gian vào trường học không cao. Cụ thể, Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (xã Hoà Khương, huyện Hòa Vang - Đà Nẵng) đã thành lập được câu lạc bộ dân ca hát bài chòi, tập hợp khoảng 40 học sinh và sinh hoạt 3 buổi/tuần.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, số tiết của các giáo viên trong trường đã nhiều nên không có thời gian nhiều dành cho câu lạc bộ. Tại đây, có hiện tượng thành viên học sinh tham gia câu lạc bộ giảm dần.

Việc đưa dân ca, nghệ thuật dân gian vào trường học với mục đích gì, tổ chức như thế nào, kết quả ra sao là những vấn đề cần được làm sáng tỏ. Các môn nghệ thuật dân gian đều đòi hỏi năng khiếu và sự đam mê, do đó không thể truyền dạy đại trà cho tất cả học sinh.

Việc truyền dạy đòi hỏi phải có nghệ nhân, trong số lượng nghệ nhân còn lại không nhiều và hầu hết đã cao tuổi. Các cơ sở giáo dục không có kinh phí, cơ chế để triển khai thực hiện việc truyền dạy các sinh hoạt văn hóa dân gian cho học sinh.

Lịch học trong các nhà trường đã kín, vậy tổ chức truyền dạy, sinh hoạt nghệ thuật dân gian vào lúc nào, do ai thực hiện đang là những vấn đề nan giải.

Khó khăn rất lớn là đa số giới trẻ ngày nay không còn mặn mà, đam mê với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống; cơ hội, không gian trình diễn, đối tượng khán giả bị thu hẹp; nhiều nghệ nhân tuổi cao, đời sống khó khăn, kinh phí hỗ trợ học và thực hành di sản còn hạn chế.

Việc tổ chức sinh hoạt, biểu diễn các hình thức nghệ thuật dân gian như hát bài chòi và dân ca Ví Giặm... tốn kém kinh phí.  

Do những nguyên nhân nói trên, việc đưa dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh hay nghệ thuật hát bài chòi vào trường học chủ yếu diễn ra có tính chất phong trào, dừng lại ở một số hoạt động như tập huấn, biểu diễn vào các sự kiện lớn, thành lập các câu lạc bộ văn nghệ dân gian nhưng sinh hoạt cầm chừng, hầu như luyện tập để biểu diễn trong các sự kiện hoặc đi thi.

Do đó, thiết nghĩ, ngành Giáo dục và ngành Văn hóa cần có sự xem xét, tổng kết cụ thể hiệu quả của việc đưa các sinh hoạt văn hóa dân gian được quốc tế công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và trường học, từ đó đề ra phương án, giải pháp thiết thực, tránh hình thức, gây thêm áp lực cho nhà trường và học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn