MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhốn nháo sắc màu nóng ở Vườn Thượng uyển bay, Đà Lạt đang bị cộng đồng phản ứng. Ảnh: HL

Đừng biến Đà Lạt thành một địa chỉ du lịch xấu xí!

Thanh Hải LDO | 18/02/2022 12:38

Lâm Đồng - Đà Lạt được định danh là thành phố du lịch, nghỉ dưỡng sớm nhất so cả nước. Suốt chiều dài lịch sử phát triển, phố núi này luôn giữ được hình ảnh là một điểm đến thơ mộng. Thành phố sương mù, thành phố của thông reo, của ngàn hoa, thành phố của tình yêu... Nhưng nay, Đà Lạt lại xuất hiện quá nhiều "mảng tối" du lịch, nhiều điểm đến xấu xí, đe dọa thương hiệu Đà Lạt mộng mơ.

Sau hình ảnh nhếch nhác du lịch Đà Lạt trong dịp Tết Nhâm dần, như tắc đường hàng cây số, chen chúc khu chợ đêm, du khách ngủ vất vưởng vỉa hè, bờ hồ... thì nay, lại rộ lên việc phản ứng của du khách về điểm đến màu mè lòe loẹt ở Vườn Thượng uyển bay, tại khu vực đèo Mimosa.

Gọi là Vườn Thượng uyển, nhưng thực chất đây chỉ là điểm “check in” của du khách với rất nhiều tiểu cảnh nhân tạo, màu mè sặc sỡ. Không phải là đồi thông xanh hay một vườn hoa nhiều sắc màu như vốn có ở xứ ngàn hoa, mà các tiểu cảnh được sơn phết đủ các loại màu nóng, bát nháo, hỗn độn. Nhìn từ xa, toàn cảnh rất rối mắt và phản cảm.

Nhốn nháo sắc màu ở Vườn Thượng uyển bay - Đà Lạt. Ảnh: HL

Tuy vậy, các ngành chức năng và Chính quyền tỉnh Lâm Đồng cũng chưa có động thái xử lý dứt điểm, ngoài việc nhắc nhở.

Đúng là người dân, doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm. Những sản phẩm kém chất lượng, phản cảm, kinh doanh kiểu "ăn xổi ở thì", chụp giật thì sẽ không bền vững. Nhưng hậu quả thì không chỉ cá nhân, doanh nghiệp tự gánh. Vì vậy, chính quyền không thể buông lỏng quản lý nhà nước theo kiểu dân tràn lên Đà Lạt, quá tải thì tự tìm ra vỉa hè, bờ hồ mà ngủ như vậy được.

Kinh doanh, nhất là làm du lịch sinh thái, gắn với lợi thế môi trường, buộc chủ đầu tư phải sáng tạo, khác biệt để mới lạ, để thu hút khách... Nhưng, "sáng tạo" khác với những kiểu phá cách, điên rồ thì khó chấp nhận.

Mọi hình thức xây dựng để làm dịch vụ, có sự ảnh hưởng lớn ra công chúng, cộng đồng, nhất thiết phải trong tầm kiểm soát của nhà quản lý. Nhất là khi việc xây dựng, quảng bá, làm du lịch ảnh hưởng đến truyền thống, văn hóa, lịch sử và thuần phong mỹ tục của địa phương.

Đây không phải là lần đầu tiên du khách phản ứng trước một điểm du lịch xấu xí, mà Đà Lạt đã từ xuất hiện nhiều lần tương tự.

Dựng tượng giống “đội quân đất nung” của Tần Thủy Hoàng tại khu “Vạn lý trường Thành” ở Đồi Mộng Mơ, Đà Lạt, bị cộng đồng phản ứng, nay đã dỡ bỏ. Ảnh: HX

Trường hợp hàng trăm tượng giống "đội quân đất nung" của Tần Thủy Hoàng (Trung Quốc) được vận chuyển từ Bình Dương lên Lâm Đồng đã không có cơ hội đặt tại một khu du lịch Đà Lạt là nhờ bị dư luận phát hiện, phản ứng, bị ngành Văn hóa du lịch Lâm Đồng xử lý năm 2020. Bởi ý tưởng và dự án xây dựng "phim trường", tái hiện "Tử cấm thành", Hoàng cung", Hoàng thành"... của nhà đầu tư - Liên Minh Group là chưa chuẩn bị kỹ lưỡng.

Doanh nghiệp đầu tư, xây dựng một công trình văn hóa của Trung Hoa, nhưng không có dự án hoàn chỉnh, không có sự tư vấn, thẩm định của các nhà chuyên môn, lấy ý kiến cộng đồng đối với các hạng mục công trình liên quan đến văn hóa, lịch sử. Và quan trọng là chưa được các cơ quan quản lý nhà nước cấp phép đúng luật.

Ngoài các vi phạm về xây dựng, trước đó, tại Đà Lạt đã từng xuất hiện nhiều điểm du lịch có biểu hiện lệch lạc về văn hóa, lịch sử như như khu Quỷ Núi, Sông Ma... Dư luận, cộng đồng đã từng phản ứng gay gắt.

Bên trong Khu du lịch Qủy Núi tọa lạc ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: HX

Việc liên tục tái diễn những hình ảnh xấu xí về Đà Lạt cần được tỉnh Lâm Đồng nghiêm túc xem lại để tránh ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu Đà Lạt - vốn luôn đẹp dịu dàng trong ký ức của du khách gần cả trăm năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn