MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh ở Đà Nẵng lo lắng, đứng chờ bên ngoài cổng trường khi các con mình đang tham dự kỳ thi vào lớp 10. Ảnh Mai Hương

Đừng biến giấc mơ của phụ huynh thành áp lực của con trẻ

Thanh Hải LDO | 06/06/2023 15:17

Trả lời chất vấn trước Quốc Hội sáng 6.6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, vào trường nghề đối với học sinh THCS không phải là lựa chọn cuối cùng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, giáo dục nghề nghiệp là một bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thời gian vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống giáo dục, có sự liên thông giữa giáo dục phổ thông - giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học... Vào trường nghề (trung cấp nghề), học sinh lớp 9+ sẽ vừa học kiến thức phổ thông, vừa được học nghề. Sau khi tốt nghiệp, các em có 2 bằng (Tốt nghiệp phổ thông và bằng nghề). Tất nhiên, nếu muốn thi vào đại học, học cao hơn vẫn được...

Như vậy sẽ rút ngắn được thời gian, tiết kiệm được kinh phí, đồng thời tạo điều kiện cho các em có lựa chọn nghề nghiệp từ sớm, đáp ứng ngay nhu cầu nhân lực cho các địa phương.

Đặc biệt, đây là một trong những lựa chọn tốt đối với học sinh nghèo, vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi vào trường nghề, các em ở đối tượng này sẽ được miễn phí, ưu tiên nhận làm việc...

Mô hình phân luồng, đào tạo nghề sau phổ thông cơ sở đang áp dụng ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Canada, Úc...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết hiện nay, quy mô tuyển sinh trường nghề cả nước khoảng hơn 2 triệu sinh viên, học sinh mỗi năm.

Trong khi đó, bên ngoài diễn đàn Quốc hội lúc này, hàng vạn học sinh ở nhiều địa phương đã bắt đầu bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024. Một cuộc thi được đánh giá có áp lực chẳng khác gì thi đại học. Thậm chí ở nhiều đô thị còn áp lực hơn cả thi vào đại học.

Tại Đà Nẵng, hơn 15.000 thí sinh sẽ bắt đầu cuộc đua vào 22 trường công lập từ ngày 6.6. Nói chạy đua là bởi, chỉ có 70% thí sinh dự thi được học tại trường công. Tức là, khoảng gần 5.000 thí sinh sẽ phải tìm đến những lựa chọn khác.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các ông bố bà mẹ chưa sẵn sàng cho “những lựa chọn khác”. Điều này chính là nguyên nhân dẫn đến áp lực thi cử cho thí sinh.

Thực tiễn cho thấy, vào đại học không phải là con đường duy nhất để kiếm tìm việc làm, được hạnh phúc. Hàng triệu cử nhân, hàng vạn thạc sĩ còn phải đang thất nghiệp, hoặc chấp nhận công việc chạy xe công nghệ (grab), bưng bê phục vụ hàng quán là minh chứng. Nhiều kỹ sư, cử nhân phải giấu đi bằng đại học để xin việc, bởi các công ty chỉ tuyển lao động nghề, lao động phổ thông...

Vậy thì việc gì phải ép buộc các con đặt nặng việc thi cử, đậu - rớt. Tạo áp lực để các con phải vào trường chuyên, vào trường công lập, để có cơ hội lên đại học?

Tuổi hoa niên sẽ không còn được mộng mơ, hồn nhiên bởi những sức ép, sự kỳ vọng áp đặt của người lớn, của chính bố mẹ mình.

Hướng nghiệp, phân luồng để dạy nghề, đào tạo nghề theo nhu cầu nguồn nhân lực, theo địa chỉ... là trách nhiệm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội , ngành Giáo dục và Đào tạo, nhưng nên để các con lựa chọn được học theo năng lực, sở thích của mình. Phụ huynh chỉ động viên, nhắc nhở, định hướng cho con. Đừng tạo áp lực cho con trẻ.

Bởi, khi ra đời, được sống, làm việc theo đúng năng lực, sở thích, đúng sự lựa chọn của chính mình, thì đó mới là hạnh phúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn