MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giấy đã qua sử dụng cần được coi là nguyên liệu sạch (ảnh minh họa)

Đừng coi đấy là phế liệu!

Huy Bình LDO | 23/03/2016 12:18
Theo Hiệp hội Giấy Việt Nam (VPA), 70% sản lượng giấy của nước ta được sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ loại giấy đã qua sử dụng, trong đó có 50% được thu gom trong nước, còn lại là nhập khẩu.

Để sản xuất ra mỗi tấn giấy từ nguồn nguyên liệu là giấy đã qua sử dụng (còn gọi là “giấy thu hồi”) sẽ tiết kiệm được 17 cây gỗ tiêu chuẩn cùng 1.500 lít dầu, 26,5 m3 nước, 3,3m3 đất chôn lấp và giảm được 74% khí thải nhà kính… Bởi vậy, hiệu quả từ việc sử dụng giấy đã qua sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy là vô cùng lớn so với việc chế biến giấy từ cây nguyên liệu.

Thấy rõ lợi ích này, suốt thời gian qua, VPA đã kiên trì kiến nghị Nhà nước và các ngành chức năng có chính sách quốc gia để coi giấy đã qua sử dụng không phải là phế liệu, mà là nguyên liệu thứ cấp, và đưa hoạt động thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng và sử dụng giấy tái chế là việc làm ích nước, lợi dân. Từ đó có các chính sách khuyến khích thu gom phân phối tái chế và nhập khẩu giấy đã qua sử dụng, đồng thời có chính sách khuyến khích trong tín dụng và giảm thuế VAT đối với hoạt động sử dụng nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng để sản xuất giấy.

Trên thực tế, các doanh nghiệp (DN) sản xuất giấy trong nước đang gặp nhiều khó khăn do giá giấy thế giới giảm mạnh, nhu cầu sử dụng giấy giảm… nên các DN bị giảm mạnh sản lượng. Trong bối cảnh này, việc sử dụng giấy phế liệu làm nguyên liệu thay thế sẽ giúp các DN ngành giấy giảm chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, mong muốn của các DN ngành giấy đã không được cơ quan chức năng xem xét một cách “thấu tình đạt lý”, mà thẳng tay “hành xử” với hoạt động nhập khẩu loại nguyên liệu này như nhập khẩu… rác. Trong công văn 2993/TCMT-KSON ngày 31.12.2015 của Tổng cục Môi trường nói rõ: “Phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất nói chung và phế liệu giấy nhập khẩu là loại hàng hóa đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao…” 

Và với cách nhìn giấy đã qua sử dụng như thế của Tổng cục Môi trường thì Tổng cục Hải quan đã áp dụng luôn quy định được áp dụng tại công văn 6037/TCHQ-GSQL ngày 1.7.2015 rằng: “thực hiện kiểm tra thực tế 100% các lô hàng phế liệu nhập khẩu, việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện tại hải quan cửa khẩu nhập khẩu, không được chuyển về nhà máy, cơ sở sản xuất để kiểm tra”, điều này đã gây ra muôn vàn khó khăn cho DN khi làm thủ tục nhập khẩu. Còn muốn không bị kiểm tra như thế thì phải… “đội giá thành” với số tiền không hề nhỏ đối với mỗi container giấy đã qua sử dụng.    

Chưa hết, tất cả các DN sản xuất giấy đều phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu, theo đó đơn vị có sản lượng thấp nhất mỗi tháng nhập khoảng 1.000 tấn thì phải ký quỹ tới 800 triệu đồng/tháng. Với quy định này DN sản xuất giấy  nhập khẩu 2.500 tấn/tháng thì phải ký quỹ tới 2 tỉ đồng. Cá biệt có DN ký quỹ tới 8 tỉ đồng. 

Điều này đã làm tăng chi phí sản xuất và vốn lưu động cùa DN. Chưa kể còn có muôn vàn khó khăn bởi giấy đã qua sử dụng được coi là phế liệu nên hoạt động này được coi là loại hình kinh doanh có điều kiện, do đó khi nhập khẩu giấy đã qua sử dụng, DN phải được Sở Tài nguyên Môi trường địa phương cấp phép, và các cơ quan này còn đang đề nghị Tổng cục Môi trường rút ngắn thời hạn của giấy xác nhận để tăng cường “hiệu quả quản lý”. 

Còn việc tăng cường hiệu quả này như thế nào thì chỉ có các DN sản xuất giấy và các Sở, ngành chức năng này “biết với nhau”. Lãnh đạo Hiệp hội Giấy đã phải thốt lên với báo chí rằng có những DN giấy đã phải chi tới hàng chục tỉ cho việc cấp phép của cơ quan bảo vệ môi trường. Với những khoản chi phí "khổng lồ" này, DN ngành giấy không có cách gì cạnh tranh nổi với giấy ngoại. Tiếc thay!

 

 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn