MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông tạo nên thành con đường có mái che dài nhất hành tinh. Ảnh Hải Nguyễn

Đừng để đường sắt Cát Linh- Hà Đông thành chỗ che nắng, bán trà, "chém gió"

Hoàng Minh Anh LDO | 04/06/2020 19:26
Sau khi đã đầu tư gần 15.000 tỉ đồng, thời gian xây dựng kéo dài hơn 10 năm nhưng tác dụng lớn nhất của dự án cho đến lúc này vẫn chỉ là che nắng một đoạn đường dài hơn 10 km và là chỗ để mấy bà bán nước kê ghế cho khách “chém gió”.

Những ai thường xuyên đi xa máy trên con đường Nguyễn Trãi vào thời tiết nắng nóng này mới thấy hết “giá trị” của tuyến đường sắt trên cao. Trước đây đường Nguyễn Trãi trồng nhiều xà cừ, chính vì để làm tuyến đường sắt trên cao này, dãy xà cừ vài chục năm tuổi bị chặt hạ. Cũng xót xa nhưng ai cũng hy vọng là tuyến đường sắt trên cao thay thế thì cái nắng nóng cũng không thể cháy da cháy thịt vì không còn phải dùng đến xe máy, xe đạp.

Tuyến đường sắt trên cao, lẽ ra phải hoàn thành vào năm 2014 đúng như kế hoạch thì cho đến giờ này chưa xong. Tổng vốn lúc đầu chỉ là 800 tỉ sau mấy lần đội vốn đã được “chốt” tổng vốn là 18.000 tỉ.

Kéo dài thời gian, đội vốn công trình đi vào lịch sử này cuối cùng cũng cho thấy một số tác dụng như biến cung đường Cát Linh- Yên Nghĩa (Hà Đông) trở thành tuyến đường “có mái che” độc đáo tầm cỡ thế giới có tác dụng che nắng khi nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 45 độ C.

Nhà thầu Trung Quốc vừa đưa ra yêu cầu thanh toán 50 triệu USD để bàn giao. Nhưng chắc chắn đó chưa phải là con số cuối cùng. Đại diện Tổng thầu cho rằng: “Nếu thanh toán xong khoản 50 triệu USD thì mới đạt 86,7%. Để đạt mức thanh toán 100% thì còn khoảng 85,7 triệu USD nữa và sau đó chủ đầu tư sẽ giữ lại 5% bảo hành trong 24 tháng”. 

Nghĩa là phải thêm 135,7 triệu USD nữa để trả cho nhà thầu Trung Quốc mà vẫn chưa biết đến khi nào công trình được vận hành, khai thác thương mại. Lý do còn vướng mắc về thủ tục, hồ sơ.

Trong khi chủ đầu tư là Bộ GTVT khăng khăng cho rằng “hồ sơ chưa đủ điều kiện thì chưa thể thanh toán” thì Tổng thầu Trung Quốc lại khẳng định “chủ đầu tư không đáp ứng 50 triệu USD cho tổng thầu thì kế hoạch đưa người sang vận hành thử toàn hệ thống sẽ không thể tiến hành được. Việc thanh toán cho các nhà thầu là điều kiện tiên quyết để tiếp tục phối hợp đưa dự án về đích”.

Vậy là mắc kẹt, vậy là dự án đường sắt trên cao vẫn chỉ có tác dụng che nắng và là chỗ để mấy bà bán nước kê ghế cho khách “chém gió”. 

Từng đó “tác dụng” phải đổi cả chục ngàn tỉ, hàng trăm tỉ trả lãi mỗi năm, có đau xót không?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn