MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đừng để sạt lở núi làm "sạt lở" niềm tin của du khách về sự an toàn

Lục Tùng LDO | 23/08/2023 20:15

Tự hào về tài nguyên núi, nhưng nếu để những trận sạt lở núi tiếp tục diễn ra, dễ làm "sạt lở" niềm tin của du khách về sự an toàn khi đến An Giang.

Mấy ngày nay, dư luận xã hội nóng lên với chuyện sạt lở núi ở An Giang. Hết Núi Dài (huyện Tri Tôn) đến Núi Cấm (thị xã Tịnh Biên) rồi đến núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn). So với sạt lở bờ sông thì sạt lở núi rất kinh hoàng, khi nhiều tảng đá tổng trọng lượng hàng chục, hàng trăm tấn từ độ cao vài trăm mét lao thẳng xuống với vận tốc… thần chết. Đã thế, có nơi, như núi Ba Thê, sạt lở lại diễn ra liên hoàn.

Cung đường dẫn lên núi Ba Thê, huyện Thoại Sơn. Ảnh: Phong Linh

Theo ông Lương Huy Khanh - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, cho biết: Ngày 17.8.2023, sạt lở núi Ba Thê làm tảng đá to rơi xuống chắn ngang đường lên núi. Đến ngày 20.8, sạt lở tiếp tục làm 5 tảng đá rơi xuống đường lên núi. Bình quân mỗi tảng đá có trọng lượng trên 3 tấn, cho thấy sức công phá sẽ rất khủng khiếp.

Tuy nhiên, sự nguy hiểm ấy vẫn như tiếp tục leo thang. Kết quả khảo sát nhanh của cơ quan chuyên môn xác định, hiện nhiều khu vực có dấu hiệu tiếp tục sạt lở, trong đó có những tảng đá trọng lượng lên đến 70 - 100 tấn. Có thể rồi đây, những tảng đá cheo leo sẽ gieo mình xuống, để bắt đầu vòng đời mới. Và rồi đây, các cơ quan chức năng sẽ đưa kết luận nguyên nhân gây sạt lở núi một cách chính xác, khoa học.

Hiện trường vụ sạt lở núi ở Ba Thê. Ảnh: Phong Linh

Điều này không chỉ giúp cơ quan chức năng nhanh chóng đưa ra giải pháp ứng phó chính xác, mà còn giúp người dân an tâm hơn sau những rộ nở những lời đồn đoán đủ màu sắc từ tươi sáng đến đen tối. Nhưng có một điều mà nhiều người lấy làm lo lắng là sau sạt lở này, sẽ còn bao nhiêu trận sạt lở nữa? Và liệu những trận sạt lở tiếp theo có may mắn không xảy ra tử vong như lần này…

Thực tế cho thấy, đây không phải là sạt lở núi lần đầu. Thời gian qua, An Giang từng xảy ra nhiều vụ sạt lở núi kinh hoàng, đầy máu và nước mắt…

Sáng ngày 5.5.2012, trận sạt lở núi Cấm đã làm 6 người tử vong và 2 người bị thương nặng. Ngoài tài xế xe dịch vụ là người địa phương, 5 người tử vong còn lại đều là khách du lịch đến từ tỉnh Tiền Giang.

Điều đáng nói là sau sự cố tang thương này, người ta mới nhận ra là sau 5 năm đưa vào sử dụng (2007-2012), vẫn chưa có một lần kiểm tra đúng nghĩa để xác định độ an toàn vách đá ven đường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như nguồn nhân lực, kinh phí… nhưng cơ bản là do chưa có sự quan tâm đúng tầm. Sau đó, sạt lở núi vẫn rải rác diễn ra. Nhưng những trận sạt lở liên tiếp mấy ngày qua cho thấy, vòng quay cũng như mức độ sạt lở núi ở An Giang ngày càng khắc nghiệt hơn.

Biển cảnh báo sau vụ sạt lở núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Ảnh: Phong Linh

Vì thế, tuy không gây tử vong, nhưng nhiều người am tường cho rằng, đây chính là hồi chuông “báo động đỏ” trước khi trở nên quá muộn. Bởi đường lên núi, ngoài việc phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân tại chỗ, còn là “huyết mạch” du lịch.

Lâu nay, An Giang rất tự hào vì có được địa hình đa dạng để phát triển du lịch độc đáo nhất vùng ĐBSCL. Trong đó có tài nguyên núi đã tạo cho du lịch An Giang sự khác biệt đầy tự hào. Nhưng, dường như sau những thời khắc tự hào, lại có sự “buông lỏng” về công tác quan tâm, đầu tư xứng tầm khi các vụ sạt lở vẫn xảy ra xung quanh các cung đường du lịch. Trong khi đó việc ứng phó căn cơ vẫn như còn ở phía trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn