MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mũ quan triều Nguyễn trên trang đấu giá invaluable.com đã có giá 40.000 Euro lúc 19h tối 25.10. Ảnh: Tường Minh

"Đứng nhìn" đấu giá mũ quan triều Nguyễn: Sao là chuyện riêng của Huế?

Tường Minh LDO | 25/10/2021 19:50

Mũ quan triều Nguyễn đang đấu giá ở Tây Ban Nha đến thời điểm này đã có giá 40.000 Euro. Trước thông tin trên, nhiều bạn đọc đặt vấn đề: Việc "hồi hương" cổ vật triều Nguyễn không thể chỉ là chuyện riêng của Huế, vì những cổ vật như vậy là tài sản chung của quốc gia.

Từ giá khởi điểm 500 Euro, đến 19h tối 25.10, giá của chiếc mũ quan triều Nguyễn trên trang đấu giá invaluable.com của Tây Ban Nha đã có người đấu với mức khó tin là 40.000 Euro. Trong khi phiên đấu giá chính thức đến 16h ngày 28.10.2021 mới mở.

Trước đó khi trả lời Báo Lao Động, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết Trung tâm chỉ theo dõi vụ này chứ không tham gia đấu giá vì giá quá cao. Khó có thể dùng tiền ngân sách để mua vào thời điểm này.

Liên quan đến mũ quan triều Nguyễn, nhiều bạn đọc Báo Lao Động thắc mắc là vì sao việc đấu giá mũ quan triều Nguyễn cùng với nhiều vụ đấu giá cổ vật triều Nguyễn trước đó như bức tranh "Chiều tà" của vua Hàm Nghi, xe kéo vua Thành Thái tặng Thái hậu Từ Minh... chỉ là chuyện riêng của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế?

Cổ vật là tài sản chung của quốc gia, nhưng vì sao trong các trường hợp này lại không thấy "tiếng nói" của ngành văn hoá và cao hơn là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch?

Trả lời câu hỏi này, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: "Do luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này".

Theo TS Phan Thanh Hải, tới đây khi sửa Luật Di sản văn hoá sẽ đưa vấn đề này vào. Còn bây giờ chỉ tạm hiểu là cơ quan nào phụ trách mảng nào thì theo dõi, phụ trách các vấn đề liên quan đến mảng đó. Hiện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế là đơn vị được giao quản lý mảng di sản về thời Nguyễn chứ không phải Sở Văn hoá nên những vấn đề liên quan đến mua bán cổ vật triều Nguyễn đều do Trung tâm này phụ trách, đề xuất, quyết định...

Theo Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, sau chiến tranh, có rất nhiều cổ vật, đặc biệt là từ triều đại nhà Nguyễn, của Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài.

Có những cổ vật đã may mắn được thu hồi về với quê hương, cũng có những món hiện nằm trong bộ sưu tập của những nhà sưu tầm khắp thế giới. 

Có thể kể đến một vài cổ vật tiêu biểu như: Thái A kiếm của vua Gia Long; chậu quán tẩy bằng vàng; sách phong bằng vàng thời Gia Long; trấn phong bằng vàng thời Khải Định; tượng con giải trãi bằng vàng thời Minh Mạng; cành vàng lá ngọc...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn