MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trái phiếu doanh nghiệp từng được cảnh báo tăng quá nóng. Ảnh minh họa: ĐT.

Đường đi của dòng tiền trái phiếu doanh nghiệp, sự ẩn chứa rủi ro khó lường

Thế Lâm LDO | 10/04/2022 19:30

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã nóng và được cảnh báo không ít từ hơn một năm về trước. Song phải cho đến khi vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, một số hành vi vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu mới lộ rõ.

Việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng với trước đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 đợt phát hành trái phiếu với 10.030 tỉ đồng liên quan doanh nghiệp này, đã cho thấy những cảnh báo là có cơ sở.

Tuy nhiên, từ vụ Tân Hoàng Minh cho thấy, hành vi che giấu thông tin trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã qua mắt được cả các cơ quan quản lý chuyên ngành, thì nhà đầu tư dường như là bất khả thi để phát hiện chân tướng vấn đề nhằm tránh sa vào.

Vấn đề lớn nhất ở đây không nằm ở thủ tục xin phép phát hành trái phiếu, vì một số doanh nghiệp hoàn toàn có thể trăm phương ngàn kế vượt qua cùng với sự giúp sức của tổ chức tư vấn, giúp làm đẹp “hồ sơ” để đường đường chính chính phát hành trái phiếu đơn lẻ hoặc cho nhà đầu tư rộng rãi.

Bản chất chính là ở dòng tiền và đường đi của nó, có đúng mục đích huy động vốn như công bố và đường đi của dòng tiền có lành mạnh hay không.

Trong vụ Tân Hoàng Minh, một số công ty thành viên của tập đoàn này mua chéo trái phiếu của nhau rồi bán lại cho nhà đầu tư cá nhân bên ngoài nhưng dưới dạng “hợp đồng đầu tư” để lách luật. Bởi hiện theo quy định, chỉ những cá nhân được công nhận là “nhà đầu tư chuyên nghiệp” mới được mua trái phiếu doanh nghiệp. Chính vì thế, hình thức “hợp đồng đầu tư” chính là chiêu thức lách để bán trái phiếu doanh nghiệp ra cho nhà đầu tư cá nhân nói chung, trong đó có không ít nhà đầu tư F0 non nớt.

Song không loại trừ cả ở những doanh nghiệp khác trong thời gian qua cũng có thể đã tiến hành phát hành trái phiếu vi phạm các quy định. Ở đây có 2 công đoạn cần được làm rõ.

Công đoạn 1, các thành viên trong một tập đoàn mua chéo trái phiếu của nhau có thể giúp tạo thanh khoản, thậm chí không loại trừ thanh khoản ảo.

Trong trường hợp có “âm mưu” từ trước, thanh khoản ảo có thể giúp tạo ra sốt ảo nhằm kích hiệu ứng tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội lợi nhuận trên thị trường (FOMO), để tạo đà cho công đoạn 2.

Công đoạn 2 là chào bán trái phiếu đến nhà đầu tư (tổ chức, cá nhân) nhằm huy động vốn (vốn thực chứ không còn là vốn ảo từ thanh khoản ảo mua chéo trong nội bộ). Lúc này, những công ty chứng khoán nhảy vào cuộc làm môi giới, có thể “thổi bùng màu hồng” và nhà đầu tư cá nhân rất khó nắm bất được thực hư sức khỏe của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, dòng tiền doanh nghiệp thu về qua việc phát hành trái phiếu chảy về đâu, có đúng mục đích công bố ban đầu hay không, hay được đổ vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nóng ẩn chứa rất nhiều rủi ro...

Chính vì thế, trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với việc che giấu thông tin, sự liên đới trách nhiệm không chỉ có những cá nhân thuộc thuộc doanh nghiệp liên quan mà có thể còn có cả các công ty chứng khoán tư vấn và môi giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn