MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vì bị 2 đường dây cao áp chạy qua gần nhà, nên gia đình ông Yêng không thể cơi nới nhà cửa. Trong lúc nơi ông ở là vùng trũng, năm nào cũng bị ngập lụt. Ảnh: Hưng Thơ.

Đường điện cao áp bao vây nhà, dân kêu cứu gần 20 năm chưa được giải quyết

HƯNG THƠ LDO | 11/06/2021 10:00

Dân định cư từ trước, 2 đường dây điện cao áp được thi công sau. Do cả 2 đường dây điện cao áp bao vây nhà, nên gia đình ông Lê Yêng (trú tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) không được cơi nới nhà cửa. Họ phải sống thấp thỏm trong ngôi nhà cũ, mùa mưa lũ nước ngập khắp nơi nhưng phải cắn răng chịu đựng gần 20 năm nay.

Từ năm 1988, gia đình ông Lê Yêng đã đến định cư tại thôn 6 (nay là thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) trên mảnh đất rộng hơn 1.600m2. Thời điểm đó chưa có điện, xung quanh nhà cửa thưa thớt.

Đường dây cao áp 35kV phía sau nhà ông Yêng. Ảnh: Hưng Thơ.

Năm 1994, nhà nước xây dựng đường dây 35kV đi qua phía sau vườn nhà, gia đình ông Yêng có nhận bồi thường 50 nghìn đồng tiền hoa màu. “Lúc đó, có thắc mắc là đường dây đi sát nhà sẽ ảnh hưởng, thì bên ban dự án nói là điện dân dụng về nông thôn, gia đình không hiểu gì, nhưng vẫn để đường dây điện đi qua” – ông Lê Yêng, nhớ lại.

Khi dự án này đi vào hoạt động, vì đường dây chỉ cách nhà có mấy mét, gia đình có nhiều con nhỏ, nên ông Yêng cứ canh cánh nỗi lo. Đến năm 2003, thêm một đường dây 22kV được xây dựng, đi ngang trước sân và chỉ cách ngôi nhà ông Yêng 2,5m. “Lúc đó lại thắc mắc, thì được giải thích là đường dây sau nhà cũ rồi, làm đường dây trước nhà xong sẽ dỡ bỏ. Cứ nghĩ khi đường dây sau nhà được dỡ bỏ, thì mình làm nhà lui phía sau sẽ không vướng gì. Nên đồng ý nhận 350 nghìn đồng tiền đền bù cây cối, hoa màu và cho thi công đường dây chạy ngang trước mặt nhà” – ông Yêng, kể.

Nhưng rồi, không có đường dây nào được gỡ cả. Cả 2 đường dây cao áp bao vây nhà, cái trước mặt, cái sau lưng cùng đi vào hoạt động. Bức xúc, ông Yêng viết đơn khiếu nại, đơn gửi đủ các cấp, sau đó nhận được trả lời rằng, ngôi nhà cách đường dây 2,5m là không nằm trong hành lang an toàn lưới điện.

Điện lực Quảng Trị đề nghị gia đình ông Yêng không được cơi nới nhà cửa. Nhưng quá trình thi công đường dây, gia đình ông Yêng chỉ được đền bù 400 nghìn đồng tiền hoa màu, cây trên đất. Và diện tích đất mà gia đình ông Yêng đang sử dụng đã được cấp sổ đỏ, có 200m2 đất ở. Ảnh: Hưng Thơ.

Vào ngày 12.10.2007, Báo Lao Động có bài viết “Dân sống dưới đường dây điện kêu cứu”, ngày 13.10.2007 thì Điện lực Quảng Trị có văn bản, khẳng định từ nhà ông Yêng đến 2 đường dây điện vẫn đảm bảo khoảng cách an toàn. Và đưa ra khuyến cáo với gia đình ông Yêng không được xây dựng, cơi nới nhà ở, không được trồng cây cối mọc cao chạm vào đường dây điện.

“Nhà tôi có từ trước, dây điện có sau. Khi làm dự án, cũng chỉ đền bù mấy cây hoa màu chứ không thu hồi đất. Đất của gia đình tôi có sổ đỏ, cấp đất ở, vậy tại sao lại cấm không được cơi nới, xây dựng nhà ở. Bây giờ cứ mưa là lụt, nước ngập hơn 1 mét. Nhà làm mấy chục năm xuống cấp rồi mà không cho cơi nới, không cho xây nhà tránh lũ thì gia đình tôi biết sống ra sao?” – ông Yêng đặt câu hỏi này, và đến nay vẫn chưa có câu trả lời ổn thỏa.

Theo ông Đặng Huy Bằng, chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Triệu Phong, ngôi nhà của ông Yêng bị “kẹp” giữa 2 đường dây với khoảng cách nhỏ, nên ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Vào năm 2012, Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị đã có kết luận giải quyết vướng mắc nói trên, trong đó đưa ra giải pháp nâng chiều cao cột điện 35kV thành 20m để ông Yêng có thể làm nhà cao 17m, nhưng sau đó không thực hiện được.

Về giải pháp tháo gỡ, ông Đặng Huy Bằng cho biết, UBND huyện Triệu Phong đã đề nghị UBND xã Triệu Thuận rà soát, làm các thủ tục giao cho gia đình ông Yêng một diện tích đất khác để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, thời gian giao đất cho gia đình ông Yêng cũng chưa rõ bao giờ sẽ diễn ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn