MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc lộ 13 đoạn qua TPHCM luôn xảy ra kẹt xe giờ cao điểm. Ảnh: Minh Quân

Đường "xương sống" nối TPHCM - Bình Dương thường xuyên kẹt xe

MINH QUÂN LDO | 30/12/2021 21:51

TPHCM - Quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu dài khoảng 5,5 km được coi là "xương sống" nối TPHCM với Bình Dương nhưng thường xuyên kẹt xe do mặt đường hẹp.

Quốc lộ 13 là trục đường quan trọng ở cửa ngõ Đông Bắc TPHCM, kết nối với Bình Dương và Bình Phước, tổng chiều dài 140,5km.

Đoạn qua TPHCM từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu (Thành phố Thủ Đức) dài khoảng 5,5km, đã có kế hoạch mở rộng nhưng 20 năm qua vẫn chưa được triển khai.

Do chỉ có 4 làn xe nên vào giờ cao điểm, ôtô, xe máy chen chúc nhau ken đặc cả tuyến đường. Đặc biệt, cầu Đúc Nhỏ  và cầu Ông Dầu hẹp, tạo “nút thắt cổ chai” gây kẹt xe.

Cầu Đúc Nhỏ tạo "nút thắt cổ chai" gây kẹt xe trên quốc lộ 13. Ảnh: Minh Quân

Anh Nguyễn Văn Bình - tài xế xe tải chở hàng thường xuyên từ Bình Dương qua TPHCM - cho biết, rất mệt mỏi mỗi khi phải đi qua tuyến đường này. Giờ cao điểm, nhiều xe ôtô thường xuyên chạy lấn sang làn xe máy khiến giao thông thêm hỗn loạn.

Theo anh Bình, đoạn qua tỉnh Bình Dương đã được mở rộng 6 làn xe, sắp tới mở lên 8 làn, lúc đó áp lực giao thông sẽ gia tăng trên quốc lộ 13 đoạn qua Thành phố Thủ Đức, ùn tắc sẽ nhiều hơn.

Một ôtô chạy lấn làn khiến giao thông hỗn loạn trên quốc lộ 13.  Ảnh: Minh Quân

Dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua TPHCM nằm trong dự án thành phần xây dựng cầu Bình Triệu 2 được triển khai từ năm 2001 cùng với dự án BOT xây dựng cầu Bình Triệu.

Ban đầu, TPHCM dự kiến mở quốc lộ rộng 32m, sau đó nâng lên 53m, rồi 60m với tổng vốn đầu tư hơn 4.700 tỉ đồng. Do không đủ vốn nên thành phố giảm xuống chỉ mở rộng 43m, tổng vốn đầu tư còn gần 3.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai.

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban giao thông), Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu. Do đó, nhiều dự án trọng điểm, trong đó có dự án mở rộng quốc lộ 13, từng được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT phải chuyển đổi hình thức đầu tư sang sử dụng vốn ngân sách.

Hằng ngày, lượng xe cộ từ Bình Dương, Thành phố Thủ Đức vào trung tâm TPHCM qua quốc lộ 13 gây quá tải, ùn tắc. Ảnh: Minh Quân

Ban giao thông đang phối hợp các sở, ngành lập chủ trương đầu tư công. Dự án dự kiến triển khai trước năm 2025 với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.300 tỉ đồng, tiền giải phóng mặt bằng khoảng 8.100 tỉ đồng, còn lại là các khoản chi phí tư vấn, quản lý, di dời hạ tầng kỹ thuật, dự phòng...

Ông Lương Minh Phúc cho hay, dự án mở rộng quốc lộ 13 hoàn thành góp phần giảm ùn tắc, phát triển đô thị khu vực phía Đông Bắc TPHCM. Đồng thời, công trình cũng giúp kết nối Vành đai 2, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành chuẩn bị đầu tư những năm tới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn