MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gặp người hơn 70 năm giữ lửa cho nghề đan mê bồ truyền thống

HỒNG LAN LDO | 06/06/2020 15:31
TP Cao Lãnh được biết đến là một thành phố trẻ, năng động, là một trung tâm thương mại lớn của tỉnh Đồng Tháp. Nấp trong thành phố năng động ấy là một làng nghề đan mê bồ truyền thống với hơn 100 năm tuổi. 

Một trong những nghệ nhân còn gắn bó với nghề cho đến hiện nay là cụ bà Trương Thị Nhuần, 78 tuổi ở xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Chúng tôi tìm gặp bà Nhuần vào một buổi chiều đã tắt nắng. Từ xa đã thấy hình dáng của một cụ bà đang cặm cụi đan mê bồ với đôi tay thoăn thoắt trên những mảnh tre mặc dù đôi mắt đã không còn nhìn rõ.

Bà Nhuần thực hiện công đoạn đan mê bồ. Ảnh: HL

Bà Nhuần cho biết, nghề đan mê bồ đã có rất lâu, lúc bà sinh ra thì ông bà của mình đã làm. "Ngày đó cả nhà bà ai cũng làm nghề đan mê bồ. Cứ làm quanh năm rồi chất đống để đó. Đến mùa lúa tháng 10 thì chất xuống ghe để đi bán hoặc đổi lúa về nhà ăn. Đến tháng 3 thì lại về nhà tiếp tục công việc đan" - bà Nhuần nhớ lại.

Theo bà Nhuần, do nhu cầu đối với loại hàng này ngày đó rất cao nên cả xóm nhà nào cũng làm nghề đan mê bồ, từ già đến trẻ ai cũng biết đan.

Tấm mê bồ được đan từ đôi tay khéo léo của người thợ giàu kinh nghiệm. Ảnh: HL

Bà Nhuần cho biết, trước kia mê bồ được người nông dân dùng nhiều để phục vụ cho việc chứa lúa, đắp đê. Còn ngày nay các nhu cầu đó đã không còn. Mê bồ giờ chỉ được dùng nhiều trong trang trí nội thất, trang trí các sự kiện văn hóa, nghệ thuật...

Về vật liệu, ngày xưa mê bồ được đan bằng tre gai - một loại tre rất rắn chắc nên chất lượng mê bồ rất cao để dùng trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng dần tre gai giờ không còn nhiều, hơn nữa, mê bồ giờ chỉ dùng chủ yếu cho mục đích trang trí nên được đan chủ yếu bằng trúc.

Mê bồ sau khi đan xong được chất đống chờ thương lái đến lấy. Ảnh: HL

Bà Nhuần chia sẻ, mặc dù đây là nghề truyền thống của gia đình, nhưng do nghề này giờ không đủ sống nên các con của bà đều đi làm nghề khác không một ai nối nghề của bà. Phần mình, mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Nhuần vẫn tiếp tục làm với mong muốn giữ nghề cho con cháu sau này biết đến.

Bà Nhuần trăn trở: Trải qua bao nhiêu năm những chiếc mê bồ vẫn được làm ra từ đôi tay khéo léo của những người thợ, không có máy móc nào thay thế được. Vì thế nếu không có người kế thừa thì làng nghề truyền thống trăm tuổi này có nguy cơ bị mai một.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn