MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân xã Đăk Psi sống gần vùng lòng hồ thuỷ điện bị thiệt hại đất đai, hoa màu. Ảnh: Thanh Tuấn

Gây ngập lụt, mất đất, người dân Kon Tum kiện đòi thuỷ điện bồi thường

THANH TUẤN LDO | 17/06/2023 13:41

Ngày 17.6, UBND huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết, đang tiếp tục rà soát hiện trạng đất đai, diện tích bị ảnh hưởng do các thuỷ điện tích nước, xả lũ để giải quyết việc người dân xã Đăk Psi khiếu kiện kéo dài. 

Như Báo Lao Động phản ánh, quá trình vận hành, hoạt động, thủy điện Đăk Psi 5 đã tác động đến hệ sinh thái, môi trường. Từ năm 2020 đến nay, nhiều hộ dân đã mất đất đai sản xuất, việc ngập lụt thiệt hại đến hoa màu, nông sản, công trình nhà ở… 

Sở Công Thương Kon Tum tiến hành kiểm tra, xác định do lũ về quá lớn, Công ty cổ phần thủy điện Đức Nhân vận hành mở các cửa van xả lũ thủy điện Đăk Psi bậc 1, bậc 2 vượt giới hạn cho phép và chưa đúng theo quy trình vận hành hồ chứa được Bộ Công Thương phê duyệt, khiến lưu lượng xả về hạ du tăng nhanh, dẫn đến lũ chồng lũ cho vùng hạ du. 

Thuỷ điện trên dòng Đăk Psi. Ảnh: Thanh Tuấn 

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai (chủ đầu tư thuỷ điện Đăk Psi 5) không thường xuyên bảo trì, nạo vét nên hồ chứa thủy điện Đăk Psi 5 qua các năm vận hành đã bị bùn cát bồi lấp làm giảm dung tích hồ chứa, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ. Khi lượng nước về nhanh, nước lũ lên cao đã làm ảnh hưởng đến tài sản và hoa màu của người dân. 

Sau khi Sở Công Thương Kon Tum đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung dừng huy động công suất điện, ra “tối hậu thư” yêu cầu đền bù thiệt hại, các chủ thuỷ điện mới chịu chi trả hỗ trợ thiệt hại số tiền trên 2,3 tỉ đồng cho 62 hộ dân xã Đăk Psi.  

Tuy nhiên, nhiều hộ dân chưa chấp nhận nhận số tiền nói trên vì cho rằng, giá thành chưa thỏa đáng… dẫn đến việc đơn thư, khiếu nại kéo dài. Trong khi các chủ đầu tư thuỷ điện trên dòng Đăk Psi chảy qua huyện Đăk Hà vẫn đổ lỗi trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhau. 

Ông Hà Tiến - Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà khẳng định, người dân tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng và doanh nghiệp trong việc rà soát, thống kê hiện trạng đất đai trước và sau quá trình xây dựng, vận hành thủy điện.  

Trên cơ sở đó, UBND huyện sẽ đưa ra phương án giải quyết thấu tình đạt lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên và hạn chế thấp nhất những mâu thuẫn dẫn đến kiến nghị kéo dài. 

Tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870MW, trong đó có 5 dự án thủy điện gây ảnh hưởng buộc phải thực hiện công tác di dân tái định cư như thủy điện Ia Ly, Plei Krông, Đăk Đrinh, Thượng Kon Tum và dự án thủy điện Đăk Mi 1.

Để ổn định sinh kế cho người dân tái định cư, tỉnh Kon Tum lựa chọn vùng di dân tái định cư, phối hợp cùng các chủ thuỷ điện xây dựng nhà ở để chuyển toàn bộ 3.060 hộ dân về nơi ở mới.  


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn