MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gen Z đi làm: Nhảy việc không phải lúc nào cũng là lối đi đúng

LƯƠNG HẠNH LDO | 27/02/2023 11:30

Trải nghiệm ở nhiều vị trí công việc với các công ty khác nhau sẽ đem lại kinh nghiệm phong phú cho Gen Z. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhảy việc cũng là lối đi đúng đắn cho thế hệ này. 

“Nếu là khoảng thời gian một năm về trước, tôi sẵn sàng quyết định nhảy việc chỉ cần thấy môi trường không còn phù hợp nữa” - đó là câu trả lời của Nguyễn Thị Thái (SN 1999, Thanh Hóa) khi được hỏi về việc nên thích nghi với công ty hay nghỉ việc để tìm một môi trường tốt hơn.

Theo Nguyễn Thái, việc trải nghiệm ở nhiều công việc và vị trí khác nhau không phải là điều xấu. Một môi trường làm việc mới giúp Gen Z có cơ hội khám phá bản thân ở nhiều khía cạnh khác nhau, mở rộng các mối quan hệ hơn. Tuy nhiên, lạm dụng nhảy việc dễ gây ra thói quen "cả thèm chóng chán" và lãng phí thời gian của chính bản thân họ.

Nói thêm về xu hướng nhảy việc ở thế hệ Gen Z hiện nay, chị Thái cho rằng, phần lớn đến từ nguyên nhân chủ quan. Gen Z thường không chịu được áp lực công việc, không chấp nhận sự gò bó hay sự chỉ đạo của người khác.

“Mối quan hệ bạn bè đồng nghiệp, với sếp, người quản lý, vị trí, khối lượng công việc, mức lương thưởng, chế độ phúc lợi... là các yếu tố quyết định sự gắn bó của tôi với công việc đó. Yêu cầu một môi trường làm việc hoàn hảo tuyệt đối là điều không khả thi” - Nguyễn Thái nói.

Nguyễn Thái cho rằng, việc thử sức ở nhiều môi trường, công việc khác nhau không phải điều xấu nhưng cần có mục tiêu và chiến lược rõ ràng. Ảnh: Nguyễn Thái

Thay vì tìm kiếm một môi trường làm việc trong mơ, Nguyễn Thái cho rằng, nên học cách thích nghi và thay đổi bản thân sẽ lâu bền hơn.

Không chỉ vậy, việc nhảy việc liên tục để lại cái nhìn không mấy thiện cảm trong mắt các nhà tuyển dụng. Khi nhảy việc mà không có mục tiêu rõ ràng còn khiến bản thân tự đánh mất đi cơ hội của mình. 

Dễ nhận thấy ở nhiều doanh nghiệp, tổ chức, mức lương thưởng và sự cất nhắc các vị trí cao hơn đều dành cho những người có thâm niên, cống hiến trong công việc. Nhảy việc gần như đồng nghĩa với bắt đầu quay trở lại từ con số 0. 

“Để có thể làm quen và hiểu rõ về một môi trường hay công việc nào đó cần mất nhiều thời gian để tìm hiểu và trải nghiệm. Tôi nghĩ khoảng thời gian từ 2-3 năm là thời điểm thích hợp cho một quyết định thay đổi môi trường làm việc” - Nguyễn Thái trải lòng.

Chị Bảo Lộc - nhân viên bộ phận Tổ chức-Hành chính, Công ty THHH Co.op Food - cho biết: Hiện nay, số lượng lao động cần tuyển khoảng 40 lao động từ trước và sau Tết Nguyên đán 2023. 

Ngoài mức lương đã trừ chi phí đóng bảo hiểm xã hội, công ty có các chế độ đãi ngộ như: Thưởng lương tháng thứ 13, thưởng doanh thu tốt... 

Những nhân sự nhảy việc trong thời gian ngắn thường không được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Ảnh: Lương Hạnh

Theo chị Lộc, công ty chị chào đón các đối tượng là lao động phổ thông ở các vị trí bán hàng với mức lương từ 6-7 triệu đồng/tháng chưa tính thưởng doanh thu. Công ty cũng ưu tiên những đối tượng gắn bó với công việc ít nhất từ 3 tháng trở lên sau khi hai bên ký kết hợp đồng làm việc. 

Với nhân viên văn phòng, công ty này yêu cầu phải có bằng cấp tương ứng và ít nhất gắn bó từ một năm trở lên. "Thường với những nhân sự có kinh nghiệm, công việc sẽ được ưu tiên tuyển dụng. Nhưng với nhân sự có hồ sơ nhảy việc liên tục trong thời gian ngắn, chúng tôi sẽ đắn đo liệu ứng viên đó có gắn bó với công ty sau khi vào làm việc hay không" - chị Lộc cho hay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn