MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Tăng Việt Anh (20 tuổi) hiện đã gắn bó với công việc shipper được gần 3 tháng. Ảnh: Thu Thuỷ

Gen Z xoay xở đủ nghề để kiếm sống trước làn sóng cắt giảm nhân lực

Thu Thủy LDO | 19/09/2023 10:00

Khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, trước bối cảnh làn sóng cắt giảm nhân lực, nhiều gen Z chấp nhận làm các công việc tạm bợ để trang trải cuộc sống trước khi có công việc ổn định.

Chấp nhận công việc không đúng chuyên môn

Đang là sinh viên năm cuối ngành Công nghệ thông tin, Đại học Thủy lợi, anh Nguyễn Đức Tuyên (SN 2002, Bắc Giang) đã gắn bó với công việc tài xế công nghệ được 8 tháng nay.

“Mình đã từng nộp CV làm part-time ở một số công ty về công nghệ nhưng không được nhận nên đầu năm nay, mình đã đăng ký chạy xe ôm để trang trải thêm thu nhập, giúp đỡ bố mẹ”, anh Tuyên tâm sự.

Nam sinh viên cho biết, dù vất vả nhưng bản thân chưa từng nghĩ đến bỏ cuộc, bởi xem đây là công việc "lấy ngắn nuôi dài", trước khi kiếm được công việc phù hợp với ngành học.

Anh Nguyễn Đức Tuyên (SN 2002, Bắc Giang) làm tài xế công nghệ của Gojek đã được 8 tháng nay. Ảnh: Thu Thủy.

Dù đang là sinh viên năm 2 chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Mỏ - Địa chất nhưng Tăng Việt Anh (20 tuổi, Phú Thọ) cũng đã bắt đầu với công việc giao đồ ăn được 2 - 3 tháng nay.

“Công việc đi lại ngoài đường vất vả, nắng mưa thất thường nhưng thu nhập cũng chưa được nhiều”, anh Việt Anh than thở.

Được biết, ngoài công việc giao đồ ăn ban ngày, nam sinh này còn làm thêm một số công việc khác vào buổi tối để san sẻ bớt gánh nặng cho gia đình.

Anh Đức tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng, Đại học Giao thông Vận tải nhưng chấp nhận làm nhân viên thời vụ trước khi tìm được công việc mới. Ảnh: Thu Thủy

Trước làn sóng cắt giảm nhân lực, anh Hoàng Việt Đức (SN 2000, Hà Nội) đã tốt nghiệp 1 năm chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng, Đại học Giao thông Vận tải nhưng chưa có công việc ổn định.

“Do chưa tìm được việc nên tạm thời mình làm nhân viên bán hàng ở một siêu thị tiện lợi. Công việc tuy thời vụ nhưng cũng đủ để mình lo liệu chi phí sinh hoạt hằng ngày”, anh Đức kể lại.

Anh Đức còn cho biết thêm, giai đoạn này xin việc vô cùng khó khăn, ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển nhân sự trong khi tỷ lệ cạnh tranh cao. Anh cũng đã rải hồ sơ xin việc (CV) khắp nơi nhưng đến nay, chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía nhà tuyển dụng.

Vượt qua khủng hoảng thời điểm mới ra trường

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chị Nguyễn Hương, bộ phận tuyển dụng Công ty Cổ phần Đào tạo trực tuyến Unica - cho biết, với các ứng viên ít kinh nghiệm, đặc biệt sinh viên mới ra trường, các doanh nghiệp thường yêu cầu tính cách và thái độ của nhân sự.

“Hiện tại, tỷ lệ chọi ứng viên cao, lấy khoảng 20%. Nói cách khác, cứ 5 bạn nộp CV thì mới chọn 1 bạn vào vòng phỏng vấn”, chị Hương nói.

Ông Nguyễn Trọng Thơ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phầm mềm iNET - cho biết, hiện doanh nghiệp chỉ tuyển những bạn đã có kinh nghiệm 2 năm trở lên trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Với các bạn trẻ năm cuối hoặc mới ra trường, công ty có chính sách dành cho thực tập sinh, sau đó cân nhắc lên vị trí khác nếu có năng lực và thái độ cầu tiến.

"Điều đó đồng nghĩa với việc các bạn gen Z phải thực sự có năng lực, thái độ tốt và không ngừng nỗ lực mới có thể giành được vị trí công việc với mức lương mong muốn.

Cơ hội không phải lúc nào cũng có, nhưng nếu biết nắm bắt đúng thời điểm, các bạn trẻ có thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng mới ra trường, gặt hái thành tựu trong tương lai", ông Nguyễn Trọng Thơ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn