MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Cường Ngô.

Giá điện: 3 hay 5 bậc không hợp lí bằng giãn cách trong các bậc

Thế Lâm LDO | 21/08/2020 12:14
Phương án điện 1 giá không ổn ngay từ ban đầu đã được rút bỏ. Thay vào đó, Bộ Công thương đang tiếp tục lấy ý kiến cho biểu giá điện 5 bậc đang được đề xuất.

Biểu giá điện chia ra 3 bậc, 4 bậc, 5 bậc đều chưa giải quyết đúng vấn đề cốt lõi cần giải quyết theo phương châm tìm ra phương án hợp lí nhất.

Vấn đề cốt lõi cần giải quyết là gì, từ đó sẽ chọn phương án, giải pháp  để giải quyết vấn đề đó.

Những ý kiến phản ánh và cả những phàn nàn lâu nay từ nhiều hộ gia đình thuộc diện thu nhập thấp và trung bình, CBCNVC, là họ phải chịu hóa đơn tiền điện cao. Tất nhiên hóa đơn tiền điện tăng có nhiều lí do: Đầu tiên là do sử dụng lượng điện nhiều lên, tiếp nữa là do các phương án sử dụng tiết kiệm điện chưa được áp dụng triệt để, biểu giá điện chưa hợp lí… Và thời gian qua, không ít trường hợp sai sót được phát hiện là ngành điện tính sai/nhầm.

Tuy nhiên, có những trường hợp hay tình huống tiêu dùng không phổ biến, sẽ không có tác động lâu dài đến hóa đơn tiền điện, như việc tính sai/nhầm trong hóa đơn, lượng điện dùng tăng đột biến do nắng nóng, các phương án tiết kiệm điện. Chính vì thế, tâm điểm cần tính toán để thay đổi hiện nay là biểu giá điện, và biểu giá điện bậc thang vẫn có tính khả thi cao hơn.

Thời gian qua, nhiều ý kiến từ các chuyên gia, người tiêu dùng phân tích về sự chưa hợp lí của biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc hiện hành. Thứ nhất là khoảng cách khối lượng điện tiêu thụ trong mỗi bậc từ 1-2 được cho là quá hẹp (mỗi bậc 50kWh), và tương đối hẹp ở bậc 3-5 (100kWh).  Thứ hai, chỉ trong định lượng 400kWh mà đã phân ra đến 5 bậc là quá dày. Thứ ba, biểu giá 6 bậc cho thấy sự bất cập chưa cho thấy rõ việc tính đến nhu cầu tiêu thụ điện của người dân cũng cần được nới ra theo sự phát triển của nền kinh tế, sự tăng trưởng của GDP/GRDP từ đó thúc đẩy tiêu dùng cũng tăng lên.

Rõ ràng, tiêu dùng năng lượng mà cụ thể ở đây là điện năng tiêu thụ của người dân, các hộ gia đình ngày nay không chỉ thuần túy là thắp sáng hay xem tivi, nghe radio như cách đây vài thập kỉ xa xôi nữa; mà còn có những nhu cầu làm việc, học tập, giải trí tại nhà qua hệ thống máy móc, thiết bị kết nối Internet… Từ đó, mức sử dụng điện bình quân tối thiểu của hộ gia đình hay trên mỗi nhân khẩu cũng cần được nới tăng lên, và mức giá được áp theo khung giá đối với mức điện tiêu thụ tối thiểu, thiết yếu.

Từ cơ sở đó, khoảng cách khối lượng điện tiêu thụ ở mỗi bậc (1, 2, 3, 4) cần được xem xét giãn đều ra, không thể chỉ ở mức từ 50kWh-100kWh mà cần nâng lên 150kWh hoặc 200kWh. Theo đó, định mức điện tiêu thụ trung bình của mỗi hộ gia đình cũng được nâng lên. Giả thiết rằng nếu lâu nay định mức tiêu thụ điện trung bình của hộ gia đình giới hạn ở mức 400kWh thì cần nâng lên từ 500-600kWh. Đây là một cách làm hợp lí hóa nhu cầu tiêu thụ điện trung bình của các hộ gia đình nói chung ngày nay, đồng thời giải tỏa bớt áp lực chi phí hóa đơn tiền điện, phần nào có tính hỗ trợ đối với những hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình.

Trong khi đó, với những hộ có thu nhập từ trung bình trở lên, như các hộ gia đình thu nhập khá, hộ nhà giàu, thì có thể được điều chỉnh ở các bậc còn lại với mức giá tăng theo tỉ lệ cao hơn nhằm giáo dục ý thức tiết kiệm điện trong tiêu dùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn