MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Phạm Văn Tuyến cầm trên tay Giấy chứng tử của vợ để chuẩn bị làm thủ tục nhận chế độ tử tuất. Ảnh: Hà Anh

Gia đình nữ công nhân đã được mời lên làm thủ tục hưởng chế độ tử tuất

Hà Anh LDO | 09/03/2023 07:33

Sau khi bài “Chuyện buồn của nữ công nhân bị công ty nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội” của Báo Lao Động ra ngày 7.3, chiều 8.3, chồng và chị gái của chị Lê Thị Ngân - nữ công nhân mắc ung thư máu và tử vong năm 2012, gia đình chưa nhận được tiền tử tuất - đã được mời lên cơ quan BHXH để làm thủ tục nhận tiền tử tuất.  

Nội dung bài của Báo Lao Động có nêu, trong số hàng trăm công nhân Nhà máy Dệt thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex (Hà Nội) bị lãnh đạo nợ lương, nợ BHXH…, thì hoàn cảnh của 2 chị em chị Lê Thị Là có lẽ là khó khăn nhất: Chị Là 2 lần sinh con nhưng đến nay chưa được nhận chế độ thai sản; đáng buồn hơn, em gái chị Là - chị Lê Thị Ngân - không may qua đời năm 2012, tới nay gia đình vẫn chưa được nhận tiền tử tuất…

Chiều 8.3, chồng chị Ngân là anh Phạm Văn Tuyến cùng chị Lê Thị Là đã được thông báo tới BHXH huyện Gia Lâm để kê khai hồ sơ, làm thủ tục nhận chế độ tử tuất của chị Lê Thị Ngân.

Tại trụ sở BHXH huyện Gia Lâm, anh Tuyến cho biết, hai vợ chồng anh kết kết hôn đúng 4 năm 1 ngày thì vợ mất, để lại đứa con trai 3 tuổi. Biến cố khiến anh khủng hoảng tinh thần, trong 1 năm anh không thể đi làm để kiếm tiền nuôi con nhỏ.

“Vợ tôi làm công nhân tại nhà máy từ tháng 12.2008 thì đến tháng 9.2012, sức khoẻ giảm sút. Lúc này, Ngân mang thai cháu thứ 2 được 5 tháng tuổi. Tiếp đó, Ngân được gia đình đưa đi bệnh viện để khám, sau đó phát hiện ra mắc bệnh ung thư máu. Lúc bình thường, vợ chồng tôi chẳng nghĩ gì đến thẻ BHYT, và chỉ khi Ngân có bệnh nan y thì gia đình mới lên công ty hỏi quyền lợi. Sau 7 ngày vợ tôi nằm viện, nhân viên của công ty mới mang thẻ BHYT tới. Trước đó mọi chi phí điều trị cho Ngân đều do gia đình chi trả rất tốn kém… Sau 9 phát hiện ra bệnh thì Ngân mất cùng với đứa con trong bụng. Cùng thời điểm này, hoàn cảnh gia đình tôi hết sức khó khăn” - anh Tuyến ngậm ngùi.

Để có tiền làm tang cho chị Ngân, người thân trong gia đình đến trụ sở của cơ quan BHXH nộp hồ sơ nhằm được hưởng chế độ tử tuất. Tuy nhiên, phía cơ quan BHXH cho biết do công ty chưa đóng đủ BHXH cho chị Ngân nên không thể hoàn thiện hồ sơ thủ tục để chi chế độ tử tuất cho gia đình. 

Chị Lê Thị Là và anh Phạm Văn Tuyến kê khai các loại giấy tờ làm thủ tục nhận chế độ tử tuất của chị Lê Thị Ngân. Ảnh: Hà Anh 

“Hồi vợ tôi mới mất, gia đình có lên công ty để hỏi thủ tục để làm chế độ tử tuất cho Ngân, nhưng lãnh đạo công ty cứ khất lần, không cung cấp những giấy tờ liên quan… dẫn đến gia đình chưa được hưởng quyền lợi. Từ thời điểm đó đến nay tôi không còn nghĩ tới việc làm thủ tục, thì bỗng nhiên sáng 8.3, chị Là (chị vợ tôi) thông tin là cơ quan BHXH huyện Gia Lâm mời tới để làm thủ tục nhận chế độ tử tuất của vợ tôi” - anh Tuyến cho hay.

Cán bộ BHXH huyện Gia Lâm tiếp nhận hồ sơ từ anh Phạm Văn Tuyến. Ảnh: Hà Anh 

Cũng trong chiều 8.3, gần 100 anh chị em Nhà máy Dệt kim Haprosimex thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex cũng đã đến trụ sở BHXH huyện Gia Lâm để làm thủ tục “tách đóng” BHXH, qua đó trong thời gian tới họ sẽ có “cơ hội” nhận được quyền lợi của mình sau nhiều năm chờ đợi, mong ngóng.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Quản đốc phân xưởng may Nhà máy Dệt kim Haprosimex cho biết, sau loạt bài của Báo Lao Động được đăng tải thì các cơ quan chức năng cũng đã tích cực vào cuộc. 

Gần 100 người lao động Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex tới trụ sở BHXH huyện Gia Lâm để làm thủ tục “tách đóng“. Ảnh: Hà Anh 

“Theo thông tin của tôi tìm hiểu thì được biết, sáng 8.3, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex  đã làm việc với cơ quan công an Hà Nội, Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội về những vấn đề liên quan đến việc công ty nợ lương, nợ BHXH của người lao động. Cơ quan BHXH TP.Hà Nội cũng đã đề nghị phía công ty trả nợ BHXH để cơ quan chức năng tiến hành làm thủ tục chi trả quyền lợi cho người lao động chúng tôi.

Và sáng 8.3, chúng tôi nhận được thông báo là những công nhân đã lấy sổ BHXH từ công ty về (nhưng chưa được chốt sổ - PV) thì mang sổ lên BHXH huyện Gia Lâm để làm thủ tục “tách đóng”. Tới chiều 8.3, đã có gần 100 anh chị em công nhân biết được thông tin đã mang sổ và giấy tờ liên quan đến làm thủ tục để “hy vọng” sớm được nhận quyền lợi” - bà Huyền cho hay.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Quản đốc phân xưởng may Nhà máy Dệt kim Haprosimex nộp sổ BHXH của mình và đồng nghiệp tới BHXH huyện Gia Lâm. Ảnh: Hà Anh 

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện BHXH huyện Gia Lâm cho biết, sau khi cơ quan BHXH đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex khẩn trương trả nợ BHXH thì lãnh đạo công ty đã “hứa” sẽ trả 2 tỉ đồng trong chiều 8.3, hoặc sáng 9.3. Khi nhận được tiền từ phía công ty, BHXH huyện Gia Lâm sẽ hoàn hiện các hồ sơ của người lao động để tiến hành chi trả và sẽ ưu tiên các trường hợp khó khăn nhất như liên quan chế độ tử tuất, thai sản... 

Theo thông tin phóng viên nhận được, lúc 15h, ngày 9.3, tại trụ sở Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex (22 Hàng Lược, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đại diện lãnh đạo công ty sẽ tiếp tục làm việc với 11 người lao động - đại diện cho gần 500 công nhân hiện đang bị công ty nợ lương, nợ BHXH nhiều năm nay, dẫn đến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn…

Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những diễn biến mới nhất của sự việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương, nợ BHXH với số tiền hàng chục tỉ đồng… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn