MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ nhang Nguyễn Sỹ Hóa cho biết, gia đình đã có đơn "kêu cứu" gửi lãnh đạo Trung ương về việc muốn tiếp tục được quản lý Đền Chợ Củi. Ảnh: Trần Tuấn.

Gia đình thủ nhang muốn tiếp tục quản lý Đền Chợ Củi

TRẦN TUẤN LDO | 11/01/2024 18:19

Sau kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hà Tĩnh về những tồn tại, bất cập tại Đền Chợ Củi và yêu cầu các gia đình thủ nhang bàn giao khu vực nội tự để Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân thực hiện quản lý toàn bộ di tích này, hiện phía gia đình thủ nhang đã có đơn thư “kêu cứu”.

Gia đình muốn tiếp tục quản lý

Ngày 10.1, ông Nguyễn Sỹ Hóa (57 tuổi) - cho biết, ông cùng với anh trai là Nguyễn Sỹ Quý (62 tuổi) là đồng thủ nhang Đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) đã gửi đơn thư “kêu cứu” gửi ra Trung ương.

Nội dung đơn thư, 2 gia đình đồng thủ nhang Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hóa khẳng định rằng, Đền Chợ Củi có từ thời xa xưa được dòng họ Nguyễn của mình xây dựng trên thửa đất của gia đình họ.

“Trải qua 8 đời từ đời các cụ đến đời chúng tôi hiện nay, ngôi đền được xây dựng bằng chính kinh phí của dòng họ Nguyễn chúng tôi và một phần kinh phí quyên góp của nhân dân địa phương để thờ Thánh Mẫu và ông thần tổ họ Nguyễn. Ngôi đền đã được truyền từ đời này qua đời khác và hiện gia đình chúng tôi trông coi, dọn dẹp và hương khói thường xuyên” - theo nội dung đơn.

Đơn cũng nêu, từ hàng trăm năm trước, tại mảnh đất Đền Chợ Củi ngày nay còn hoang vắng, rừng cây rậm rạp, ông tổ của họ là Nguyễn Văn Tịu đã xây dựng một cái am nhỏ để thờ phật thánh và tổ tiên. Lâu dần, người dân nhiều nơi di cư đến sinh sống rồi hương khói.

Năm 1968, bom Mỹ đã phá hoại làm hư hỏng gần như hoàn toàn ngôi đền. Sau chiến tranh, bố mẹ họ đã dọn dẹp và kêu gọi nhân dân trong vùng quyên góp tranh, tre sửa sang lại ngôi đền để tiếp tục hương khói cho các vị thần linh và tổ tiên dòng họ Nguyễn.

Đền Chợ Củi. Ảnh: Trần Tuấn.

Sau đó ít năm, đền lại hư hỏng, gia đình phải huy động tiền từ các thành viên họ tộc, nhân dân địa phương và đi nhiều nơi để kêu gọi quyên góp của khách thập phương để mua ngói lợp, tu sửa lại đền.

Năm 1971, giai đoạn phá đền chùa diễn ra nhiều nơi, dòng họ Nguyễn và người dân địa phương đã ngăn cản nên ngôi đền Chợ Củi đã không bị phá bỏ. Khi bố mẹ của ông Quý, ông Hóa mất đi, họ đã giao lại đền cho các anh em ông trông coi, lo hương khói.

Năm 1993, Đền Chợ Củi được công nhận Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Những năm sau đó đến nay, gia đình ông Quý và ông Hóa vẫn tham gia vào tổ nội tự thuộc Ban Quản lý Di tích Đền Chợ Củi (từ năm 2023 là Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân) và là đồng thủ nhang của đền này.

Cuối đơn, gia đình các thủ nhang đề nghị được tiếp tục quản lý, gìn giữ Đền Chợ Củi như trước. Gia đình cam kết thực hiện nghĩa vụ từ đóng góp nguồn thu của Đền vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Di tích văn hóa tâm linh thuộc sở hữu chung

Trước đó, ngày 5.1, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kết luận thanh tra số 07 về việc quản lý và tổ chức các hoạt động tại Di tích Quốc gia Đền Chợ Củi.

Theo kết luận, từ những tư liệu thu thập và xác minh của Đoàn thanh tra thể hiện Đền Chợ Củi là di tích lịch sử - văn hoá được các cấp chính quyền quản lý, tôn tạo từ thời phong kiến đến nay.

“Đây là di tích văn hoá tâm linh thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư không phải là nơi thờ tự riêng của hộ gia đình, cá nhân hay của một dòng họ nào” - kết luận khẳng định.

Nhiều ki ốt bán hàng mã bên trong khu vực Di tích Đền Chợ Củi. Ảnh: Trần Tuấn.

Kết luận cũng chỉ ra một số bất cập, thiếu minh bạch khi Ban Quản lý di tích giao toàn bộ hoạt động quản lý thu, chi tiền công đức cho gia đình thủ nhang, Ban Quản lý Di tích Đền Chợ Củi chưa làm tốt chức trách, để một số hộ dân xây ki ốt trái phép.

Thời gian qua, UBND huyện Nghi Xuân không thành lập ban tổ chức lễ hội, không tổ chức được phần hội mà chủ yếu là nhân dân, du khách về đi lễ tại Đền Chợ Củi, thực hiện tín ngưỡng mang tính tự phát.

Từ đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan tiến hành kiểm điểm theo thẩm quyền và làm rõ trách nhiệm đối với các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.

Giao UBND huyện Nghi Xuân chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan (Sở VHTT&DL, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Công an tỉnh…) xây dựng và ban hành Quy chế quản lý di tích Đền Chợ Củi phù hợp, hiệu quả.

Đến hết ngày 5.1.2024, chấm dứt việc khoán công tác quản lý tiền công đức của Đền Chợ Củi cho hộ gia đình thủ nhang; thành lập Hội đồng quản lý, kiểm kê hằng ngày hoặc hằng tuần và nộp tiền công đức vào Ngân sách để thực hiện quản lý thu, chi theo đúng quy định pháp luật.

Ông Hóa bên trong khu nội tự mà 2 gia đình thủ nhang Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hóa muốn tiếp tục được quản lý. Ảnh: Trần Tuấn.

Đối với các gia đình thủ nhang, phải chấm dứt việc chiếm hữu, quản lý khu vực nội tự của Đền Chợ Củi, bàn giao cho Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân chậm nhất là ngày 15.1.2024; đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc khắc phục các tồn tại đã nêu ở trên.

Nếu các gia đình thủ nhang không thực hiện bàn giao theo đúng thời hạn, giao UBND huyện Nghi Xuân tổ chức cưỡng chế việc bàn giao và thực hiện quản lý toàn bộ Di tích Đền Chợ Củi theo đúng quy định pháp luật.

Thủ nhang theo quy ước là người đứng đầu và có quyền quản lý một Đền, Phủ hay Điện Thờ. Thủ nhang có thể là chủ sở hữu nơi thờ tự, hoặc cũng có thể không. Trường hợp là điện thờ tư gia thì thủ nhưng cũng chính là chủ sở hữu của điện thờ đó. Trong trường hợp là Đền Phủ do nhà nước và cơ quan chức năng quản lý thì thủ nhang chỉ là người đại diện để quản lý Đền Phủ đó chứ không phải là chủ sở hữu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn