MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế Nghệ An đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19. Ảnh: QĐ

Giá thịt lợn, khẩu trang: Cơ chế quản lý thị trường nhưng không thả nổi

QUANG ĐẠI LDO | 15/03/2020 12:08

Trong mùa dịch bệnh, những mặt hàng nhu yếu phẩm, rất cần cho mọi người như thịt lợn, mì tôm, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế…có xu hướng tăng. Lúc này rất cần những biện pháp mạnh tay hơn để không thả nổi cho gian thương thao túng, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để trục lợi.

Theo thông tin từ Bộ Y tế vào ngày 17.2, cả nước hiện có 39 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế với khoảng 3 triệu khẩu trang/ngày. Nhiều doanh nghiệp đã tăng năng suất, sản lượng, sắp tới sẽ cho ra thị trường số lượng khẩu trang y tế đáp ứng đủ nhu cầu người dân.  

Tuy nhiên, thực tế là cả tháng nay, khẩu trang y tế trở nên khán hiếm.

Do khó khăn về nguyên liệu sản xuất, nhu cầu tăng đột biến nên giá khẩu trang y tế tăng so với trước mùa dịch là đương nhiên, nhưng tăng đến hàng chục lần là bất thường. Rõ ràng đã có dấu hiệu của sự trục lợi. Những cá nhân, tổ chức nào thu được nguồn lợi lớn từ việc tăng giá bất thường này, là vấn đề cần được làm rõ.

Nhiều chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần xem xét đưa mặt hàng khẩu trang y tế vào danh mục hàng bình ổn giá mới kiểm soát được giá. Tuy nhiên, việc đưa một mặt hàng bổ sung danh mục hàng bình ổn giá phải thông qua nhiều thủ tục hành chính không đơn giản. Bên cạnh đó, cần yêu cầu doanh nghiệp sản xuất công khai mức giá bán lẻ, minh bạch hóa hệ thống bán hàng khẩu trang y tế.

Cùng với khẩu trang, nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, mì tôm, nước rửa tay kháng khuẩn…cũng đua nhau “nhảy múa”. Nhiều chuyên gia giải thích: bởi vì đó không phải là các mặt hàng bình ổn giá, cơ quan chức năng không thể tùy tiện can thiệp vào mối quan hệ cung - cầu.

Theo cơ chế thị trường, người dân được tự do kinh doanh, thuận mua vừa bán, nhà nước không can thiệp vào các mối quan hệ cung cầu bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể thả nổi cho gian thương thao túng, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để trục lợi.

Thiết nghĩ cần nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý giá linh hoạt, cụ thể, chặt chẽ và mạnh mẽ hơn, để chúng ta có đủ hành lang pháp lý và chế tài, kịp thời ứng phó với những biến động của thị trường, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong các hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh và các thay đổi bất thường khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn