MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải cứu nông sản vùng dịch: Lo ngại kiểu "họp chợ" tự phát

PHAN CÚC - ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 22/02/2021 19:08

Nhiều điểm giải cứu nông sản tại Hà Nội đang có sự chung tay, góp sức của đông đảo người dân Thủ đô. Dù vậy, việc tập trung quá đông người, chưa có quy trình chuyên nghiệp, phù hợp đang gây ra nhiều mối lo ngại cho nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Bán mua nhộn nhịp trên vỉa hè

Đã đến vụ thu hoạch nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, một lượng lớn nông sản của bà con vùng dịch Hải Dương bị dồn ứ nghiêm trọng.

Trước tình hình này, trên khắp các hội nhóm mạng xã hội, những bài viết kêu gọi “giải cứu” nông sản nhận được nhiều sự quan tâm. Nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội đã kết nối với các nhóm thiện nguyện tại Hải Dương đưa nông sản về Thủ đô giúp bà con tiêu thụ.

Theo ghi nhận của PV, trên các tuyến đường Nguyễn Văn Huyên, Giải Phóng,... vài ngày gần đây liên tục có những điểm tập trung đông người từ rất sớm để đón các chuyến xe chở nông sản.

Không chỉ đến thu mua, nhiều người còn sẵn sàng phụ giúp tài xế trong việc bốc vác hàng hóa, sắp xếp để việc mua bán được diễn ra nhanh chóng nhất. Trước sự chung sức của cộng đồng, hàng trăm tấn nông sản đã được tiêu thụ trong vài ngày qua.

Chị Nguyễn Thị Mai (34 tuổi, quận Cầu Giấy Hà Nội) cho biết những ngày này thường xuyên ghé vào điểm giải cứu nông sản trên đường Nguyễn Văn Huyên để mua rau củ.

“Mình đang cần rau sạch cho hoạt động kinh doanh, thay vì mua ở các chợ đầu mối như thường ngày thì nay mình ra đây từ sớm để mua giúp bà con. Giá ở đây rẻ hơn và nông sản cũng vẫn giữ được sự tươi ngon” - chị Nguyễn Thị Mai cho hay.

Tuy nhiên, chị Mai cũng cho biết chỉ dám ghé qua nhanh, mua đủ nhu cầu rồi rời đi. Bởi vẫn có nhiều lo ngại khi người dân tập trung đông ở điểm giải cứu nông sản.

Bán mua nhộn nhịp ở điểm giải cứu nông sản Hải Dương. Ảnh: Tú Quỳnh.

“Lượng người tụ tập mua nông sản rất đông, dù đa phần ai cũng chủ động đeo khẩu trang phòng dịch nhưng không tuân thủ việc giãn cách nên mình vẫn lo" - chị Nguyễn Thị Mai nói.

Chia sẻ về hoạt động thu mua nông sản cho người dân vùng dịch, hầu hết ý kiến đều đánh giá đây là hành động nhân văn, thể hiện được truyền thống tương thân tương ái của người dân. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ sự lo lắng trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh đang khá phức tạp.

Bạn đọc Nguyễn Trang (27 tuổi, Hà Tĩnh) cho rằng, các tổ chức thiện nguyện nên triển khai kế hoạch hoạt động cụ thể, lựa chọn những điểm mua bán phù hợp hơn.

“Vẫn biết đây là hành động đẹp nhưng nếu không đảm bảo công tác phòng dịch thì hậu quả sẽ rất khôn lường. Không thể tưởng tượng được nếu F1, F2 xuất hiện trong đám đông”- bạn đọc Nguyễn Trang bày tỏ lo ngại.

Cần có quy trình phù hợp

Bên cạnh đó, tình trạng "họp chợ" kiểu tự phát ở các điểm giải cứu nông sản, cùng lượng hàng hóa lớn tập kết ngay trên trên vỉa hè dẫn tới nguy cơ về ảnh hưởng an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Rau củ bà con đưa đến rất tươi ngon nhưng khi chất đống bên đường thì vấn đề vệ sinh lại không còn đảm bảo. Đã thế mỗi lần đi qua điểm giải cứu còn ầm ĩ, ách tắc cả đoạn đường ” - bạn đọc Trần Công Minh (quận Cầu Giấy Hà Nội) cho hay.

Để tăng cường công tác phòng dịch và đảm bảo được quá trình tiêu thụ giúp bà con nông dân, nhiều độc giả chia sẻ ý kiến góp ý cho hoạt động thiện nguyện được diễn ra an toàn, thuận lợi hơn.

Điểm giải cứu nông sản tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Tú Quỳnh.

Bạn Trần Thị Anh Thư (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đặt vấn đề về việc các tổ chức từ thiện nên liên hệ và nhận sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, trung tâm thương mại hay siêu thị để tổ chức thu mua một cách khoa học, đúng quy trình hơn.

“Các nông sản của bà con sẽ được khử trùng khi đến tay người tiêu dùng, lượng thu mua của các đơn vị, siêu thị sẽ lớn hơn rất nhiều. Giao dịch nhỏ lẻ khó kiểm soát số lượng, tụ tập chen chúc cũng sẽ mất mỹ quan đô thị” - bạn đọc Anh Thư bày tỏ ý kiến.

Theo ghi nhận của PV, tại một số điểm giải cứu nông sản, do lượng người tập trung quá đông, cơ quan chức năng thường xuyên phải tiến hành can thiệp, thông báo cho người dân tránh tập trung đông.

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội , với tỉnh vùng dịch như Hải Dương, Quảng Ninh, phía Sở Công thương Hà Nội đã kết nối, giới thiệu 66 cơ sở thương mại trên địa bàn thành phố để giúp bà con tiêu thụ nông sản. Hiện khoảng 300 tấn rau, củ, quả đã được tiêu thụ tại các hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội.

Về việc người dân tập trung giải cứu nông sản trên vỉa hè, bà Trần Thị Phương Lan cho rằng đây là hành động nhân văn của công đồng. Tuy nhiên, người dân cần tuân thủ đúng các biện pháp phòng dịch COVID-19 theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn