MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở xã Thạch Hương (cũ) bỏ hoang suốt 4 năm nay sau khi sáp nhập về xã Tân Lâm Hương. Ảnh: Trần Tuấn.

Giải pháp cho hàng trăm cơ sở nhà đất ở Hà Tĩnh đang bỏ hoang

TRẦN TUẤN LDO | 20/03/2024 07:53

Sau hơn 4 năm sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hiện hàng trăm cơ sở nhà đất là trụ sở xã, trạm y tế, trường học... dôi dư ở Hà Tĩnh vẫn đang bỏ hoang gây lãng phí. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng liệu có được thực hiện quyết liệt, mang lại hiệu quả.

Chậm xử lý gây lãng phí

Ngày 19.3, Sở Tài chính Hà Tĩnh - thông tin, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã vào đầu năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tài sản công, từ tháng 7.2022 đến nay, Tổ công tác sắp xếp nhà đất của tỉnh do Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Sở Xây dựng đã rà soát tổng cộng 4.892 cơ sở nhà đất tại các địa phương. Sau đó đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý.

Theo đó, toàn bộ các cơ sở nhà, đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đã được rà soát, UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp và phân làm 2 nhóm để xử lý.

Với nhóm cơ sở nhà, đất được xử lý theo pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công, hiện Hà Tĩnh có 83 cơ sở nhà, đất dôi dư. Trong đó có 38 trụ sở UBND xã cũ; 24 trường học; 21 trạm y tế.

Toàn bộ 83 cơ sở nhà, đất trên đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp tại các địa phương. Trong đó 37 cơ sở nhà đất được phê duyệt hình thức xử lý “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; 27 cơ sở nhà đất được phê duyệt hình thức xử lý “điều chuyển”, 19 cơ sở nhà đất được phê duyệt hình thức xử lý “chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý”.

Cần sớm xử lý các nhà đất sau sáp nhập xã. Ảnh: Trần Tuấn.

Với nhóm các cơ sở nhà, đất được đưa ra khỏi phương án sắp xếp (do không còn thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp nhà đất), theo phê duyệt của UBND tỉnh Hà Tĩnh có 192 cơ sở nhà, đất sẽ phải tiếp tục thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai

“Các địa phương còn thiếu quan tâm, tích cực trong tham mưu, trình xử lý bán, còn tâm lý chờ đợi địa phương khác bán trước để học hỏi kinh nghiệm” - theo Sở Tài chính Hà Tĩnh.

Cũng theo Sở này, đối với các cơ sở nhà, đất được đưa ra khỏi phương án sắp xếp , sau khi rà soát, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý, sử dụng, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, các cơ sơ nhà đất nêu trên vẫn đang trong quá trình xử lý do Sở TNMT chưa có văn bản hướng dẫn.

Cần khẩn trương xử lý

Theo Sở Tài chính Hà Tĩnh, thời gian tới, đối với nhóm các cơ sở nhà, đất được duyệt hình thức xử lý là “điều chuyển”, “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” thì các địa phương cần phải khẩn trương chỉ đạo, thực hiện, hoàn thành xử lý.

UBND tỉnh cũng đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Công an tỉnh chủ động làm việc với Bộ Tài chính sớm xem xét, ban hành quyết định điều chuyển các cơ sở nhà, đất dôi dư cho Bộ Công an để sử dụng làm trụ sở công an xã, thị trấn.

Đối với nhóm các cơ sở nhà, đất được duyệt hình thức xử lý là “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” thì UBND cấp huyện phải khẩn trương điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với phương án sắp xếp đã được phê duyệt và mục đích sử dụng đất sau khi bán để sớm trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bán tài sản công theo thủ tục, trình tự quy định.

Đối với các địa phương, các đơn vị trực thuộc được giao quản lý tài sản có đủ năng lực, nhân lực tổ chức bán thì các địa phương, đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện bán. Đối với các địa phương, các đơn vị được giao quản lý tài sản không đủ năng lực, nhân lực tổ chức bán thì Sở Tài chính tổ chức thực hiện bán.

Trụ sở xã Thạch Hương cũ bỏ hoang. Ảnh: Trần Tuấn.

Cũng theo Sở Tài chính Hà Tĩnh, sắp tới có thể sẽ có Nghị định mới thay thế Nghị định 167 năm 2017 và Nghị định 67 năm 2021 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan thì sẽ phân cấp mạnh cho các địa phương trong thẩm quyền quyết định bán tài sản công.

Có thể quy định mới sẽ phân cấp cho Chủ tịch UBND huyện được quyết định bán tài sản công thay cho quy định hiện nay chỉ có Chủ tịch UBND tỉnh được quyết định bán tài sản công. Lúc đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để sớm xử lý các tài sản dôi dư, tránh lãng phí kéo dài.

Đối với các cơ sở nhà, đất được đưa ra khỏi phương án sắp xếp, Sở TNMT chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan cần kịp thời có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý, sử dụng, xử lý theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn