MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp "3 tại chỗ" đang bố trí chỗ ở cho người lao động ngay trong công ty. Ảnh: Đức Long.

Giải pháp lưu trú nào cho người lao động trong giai đoạn "bình thường mới"?

GS NGUYỄN TRỌNG HOÀI (ĐẠI HỌC KINH TẾ TPHCM) LDO | 01/09/2021 16:24

Chính sách ứng phó và hành động của người lao động trong bối cảnh COVID-19 diễn ra khi nhiều nơi vẫn đang tiếp tục giãn cách liên quan khá nhiều đến vấn đề lưu trú hay chỗ ở cho người lao động đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau tại các khu công nghiệp (KCN). Báo Lao Động xin trân trọng giới thiệu bài viết "Lưu trú người lao động trong giai đoạn bình thường mới" của Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài (Đại học Kinh tế TPHCM).

Chính sách "3 tại chỗ" hay "2 điểm đến 1 cung đường" đòi hỏi phải có nơi lưu trú đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho người lao động theo quy định giãn cách nhưng vẫn được tiếp tục sản xuất nhằm đảm bảo mục tiêu kép nhưng chống dịch vẫn là ưu tiên số một.

Doanh nghiệp thuê khách sạn gần nơi sản xuất hay cho người lao động ăn ở ngay tại nơi làm việc theo kiểu dã chiến cũng là giải pháp. Song thuê khách sạn chỉ có rất ít doanh nghiệp có điều kiện chịu đựng được vì chi phí phát sinh tăng. Còn ăn ở tại chỗ đa số theo hình thức cắm trại thiếu thốn nhiều thứ cơ bản và không tiện lợi cho công nhân vì chỗ lưu trú ngay tại doanh nghiệp đa số không chuẩn bị trước.

Công nhân đợi giãn cách lâu không có việc làm hoặc thu nhập bị giảm do doanh nghiệp không duy trì sản xuất thì không có tiền trả tiền trọ và ứng biến bằng cách trở về quê tránh dịch theo cách ứng phó tự nhiên. Phản ứng tức thời này là hợp lý cá nhân nhưng hệ lụy sẽ làm thiếu lao động khi "bình thường mới" trở lại và chưa kể làm tăng gánh nặng người thân và địa phương nơi họ không còn cách nào khác phải trở về, bằng chứng là Bắc Giang, TPHCM, Bình Dương, và Đồng Nai trong những tháng vừa qua chúng ta đều thấy rõ.

Thực trạng về lưu trú ở các KCN

Đi khảo sát nhiều KCN tại các thành phố lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng thì thấy rằng diện tích đất trong các KCN rất lớn nhưng chủ yếu bố trí cho nơi sản xuất còn các công trình xanh, lưu trú, các tiện ích xã hội khác như nhà trẻ, bệnh viện trong KCN thì lại rất hiếm và thậm chí là không có, hay có là chỉ chủ yếu trên quy hoạch ban đầu.

Mặc dù theo các quy hoạch ban đầu của nhà nước về KCN là có cơ sở hạ tầng xã hội bao gồm lưu trú cho công nhân nhưng khi triển khai thì còn nhiều bất cập. Tìm hiểu ra thì có nhiều lý do để lưu trú cho người lao động ít được quan tâm đến từ nhiều bên liên quan, trong đó có cả suy nghĩ tự nhiên của người lao động.

Doanh nghiệp vì hiệu quả nên tiết kiệm chi phí, mặc dù họ luôn biết rằng nguồn lực con người mang tính quyết định cho việc tạo ra lợi nhuận và tính cạnh tranh nên thấy việc trả lương cho người lao động là đã hoàn thành trách nhiệm xã hội. Từ đó, để người lao động tự cân đối nhu cầu lưu trú là một tất yếu tự thân.

Bình thường các KCN ở gần khu đô thị thì nhà ở hay nhà thuê của người lao động sẽ được ăn theo cơ sở hạ tầng xã hội đô thị và vấn đề lưu trú người lao động được tự giải quyết theo nhu cầu cá nhân và KCN sẽ không còn quan tâm đúng mức.

Khác thường là ở chỗ người lao động hơn 70% đến từ các địa phương khác cũng phải thuê chỗ ở nhằm theo đuổi việc làm có thu nhập và khi thu nhập bị hạn chế do các lý do bất khả kháng như không có việc làm vì dịch COVID-19 kéo dài sẽ làm tăng thách thức bám trụ chờ qua giãn cách và phục hồi doanh nghiệp.

Giải pháp cho giai đoạn "bình thường mới"

Dẫu cho đợt giãn cách này ở các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt TPHCM và thậm chí cả nước dịch đang diễn ra phức tạp. Nhưng chính sách chống dịch quyết liệt của Việt Nam và các địa phương rồi cũng sẽ đến hồi kết và tất cả đều kỳ vọng một tình trạng bình thường mới sẽ đến cho hầu hết các tỉnh thành với giải pháp tổng thể 5K + vaccine và các hỗ trợ xã hội khác.

Chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề quan tâm nhưng có lẽ không thể nào không nhắc đến những bất cập về vấn đề lưu trú của người lao động trong các KCN tại các tỉnh thành đã trải qua và công nghiệp là một lĩnh vực xương sống cần nhiều tái cấu trúc để phục hồi bền vững và tăng khả năng chống chịu rủi ro trong tương lai cùng với mục tiêu tạo việc làm và thu nhập cho một cuộc sống chất lượng và hạnh phúc hơn.   

Trước hết, trong các KCN có quy hoạch các công trình hạ tầng xã hội như nơi lưu trú, cây xanh, nhà trẻ, khu vực văn hóa-thể thao và các tiện ích xã hội khác cần phải triển khai cấp tốc không trì hoãn.

Con số hơn 3% đất phục vụ cho các công trình hạ tầng xã hội tại các KCN hiện nay là quá ít và chỉ khoảng một nửa các KCN triển khai thực sự các công trình đã quy hoạch này vì các lý do người lao động bám vào đô thị, doanh nghiệp chưa chú trọng vì có quá nhiều nỗi lo khác, và các công ty phát triển cơ sở hạ tầng chưa làm hết trách nhiệm kinh doanh.

Kế đến, KCN gắn liền với đô thị ngoài việc chuyển đổi thành KCN xanh hoặc phát triển cộng sinh công nghiệp với các dịch vụ đô thị thì nhà nước cần có những chính sách khuyến khích nhà đầu tư về nhà ở công nhân để cho người lao động thuê gắn với mạng lưới KCN.

Các vấn đề logictics đưa đón từ nơi lưu trú đến KCN mang tính hệ thống được hình thành không chỉ doanh nghiệp trong KCN mà từ mạng lưới xe bus công cộng tiện lợi gắn giữa KCN và các nơi lưu trú cho người lao động thuê.

Điều này sẽ hạn chế giải pháp tình thế "2 điểm đến 1 cung đường" hoặc "3 tại chỗ" khi có thể điều tương tự như đại dịch COVID-19 lại có thể xảy ra trong tương lai và nếu làm được như thế sẽ giảm thiểu ách tắc giao thông đang đè nặng trên các đô thị đông dân như TPHCM và Hà Nội.

Sau đó, chuẩn hóa các khu nhà trọ tư nhân bằng một quy định đảm bảo không gian sống tối thiểu, các công trình tối thiểu, đảm bảo được vệ sinh theo hướng giãn cách tối thiểu vì nhà trọ thì không thể đòi hỏi cao như khách sạn hay khu căn hộ cao cấp được. Quy định này sẽ được khuyến khích thực hiện và đi đến bắt buộc đối với người cho thuê và người đi thuê cũng đảm bảo rằng không gian nhà trọ chỉ đủ quota số người được ở theo quy định.

Phải chuẩn bị để không bị động

Biến chủng Delta và sau này có thể là các biến chủng khác mạnh hơn và nhanh hơn, nếu trong điều kiện bình thường mới không chuẩn bị thì chúng ta lại sẽ có thể bị động từ bằng chứng người lao động trong các KCN ở các quận 7, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình tại TPHCM hay KCN Bắc Giang có nhiều ca nhiễm từ người lao động do điều kiện cư trú không đảm bảo.        

Sau cùng, KCN ở nơi siêu đô thị như TPHCM và Hà Nội phải giảm bớt áp lực lưu trú của người lao động đến làm việc tại địa phương mình bằng một chiến lược dài hơi thâm dụng lao động kỹ năng và công nghệ thay vì thâm dụng lao động giản đơn.

Các hợp đồng ký kết doanh nghiệp thứ cấp với công ty phát triển cơ sở hạ tầng KCN tại các siêu đô thị này còn thời hạn gần 20 năm nữa với giả định là mọi chuyện sẽ như cũ nhưng với kinh nghiệm trải qua đại dịch vừa qua và kỳ vọng nâng cao hiệu quả KCN theo hướng bền vững thì các hợp đồng này bắt buộc phải điều chỉnh.

Điều này thật khó, nhưng phải thực sự có kế hoạch làm ngay vì gánh nặng rủi ro lưu trú khi có những biến cố dịch bệnh khác áp lực lên các siêu đô thị và bất khả kháng lại diễn ra cảnh tự phát về quê tránh dịch hoặc các giải pháp tình thế "3 tại chỗ" như đã xảy ra trong những tháng vừa qua.   

Lưu trú người lao động theo hướng đảm bảo an cư bền vững là một trong những nhu cầu cơ bản phải được chú trọng khi bình thường mới được tái lập cùng với chiến lược tái thiết kinh tế sau đại dịch vì nguồn lực con người phải được chăm lo từ các bên liên quan theo tiếp cận nâng cao sức chống chịu rủi ro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn