MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải pháp ngăn chặn đối tượng phạm tội đang trẻ hóa

Chân Phúc LDO | 15/04/2021 15:09

Trước tình trạng đối tượng phạm tội đang có dấu hiệu trẻ hóa, hành xử kiểu giang hồ, tại một buổi tọa đàm với chủ đề "Ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội" được tổ chức ở TPHCM ngày 15.4, các chuyên gia tham dự đã đưa ra một số giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Tội phạm ngày càng trẻ hóa

Theo số liệu của Bộ Công an, trong giai đoạn 2018-2020, trên cả nước đã ghi nhận gần gần 11.000 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với hơn 16.500 đối tượng.

Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM cho biết, từ năm 2018 đến hết quý I/2021, toàn TPHCM ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện, truy bắt được 884 đối tượng.

Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM. Ảnh: Chân Phúc

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu - Chuyên gia tâm lý tội phạm cho biết, tình trạng tội phạm trẻ hóa ngày càng phổ biến.

Trước đây, tội cố ý gây thương tích… chiếm đa số, nhưng bây giờ, tội phạm công nghệ cao, xâm phạm an ninh quốc gia cũng có nhiều người dưới 18 tuổi.

Theo tiến sĩ Đoàn Văn Báu, mạng xã hội và phim ảnh hiện nay cũng "nhuốm màu bạo lực" đang ảnh hưởng đến các tâm sinh lý các em.

"Giang hồ thì vào vai nghệ sĩ, nghệ sĩ lại muốn làm giang hồ..., như một số hiện tượng "giang hồ mạng". Như vậy, mạng xã hội hay phim ảnh có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm lý của các em" - Tiến sĩ Báu nêu quan điểm.

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu (áo trắng), chuyên gia tâm lý tội phạm cho rằng mạng xã hội, phim ảnh đang gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Ảnh: Chân Phúc

Giải pháp nào ngăn chặn người trẻ phạm tội?

Trước thực trạng trên, ông Lê Văn Ngợi, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng Sở GDĐT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, đã đến lúc phải có quy trình xử lý bạo lực học đường ngay tại nhà trường, vì thực tế đã chứng minh có những lúc không xử lý kịp.

Ngoài ra, cần đề cao trách nhiệm của người lớn và những người chứng kiến bạo lực học đường.

"Các nhà trường phải được đầu tư thêm sân chơi. Các trường gần như thiếu sân bóng đá, thiếu hồ bơi… khiến học sinh hở ra thì ôm điện thoại. Cũng cần thay đổi hình thức phổ biến tuyên truyền pháp luật, song song với giáo dục kỹ năng phòng vệ cho học sinh nhằm ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội", ông Lê Văn Ngợi nêu ý kiến.

Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng cho rằng, một trong những giải pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn hành vi bạo lực ở người trẻ là nhà trường, gia đình cần có những biện pháp cụ thể, như giữa gia đình và môi trường giáo dục cần tạo ra các group để thông tin qua lại.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần kiểm soát với những nội dung phim ảnh của con em mình.

“Thời gian qua trên mạng xã hội, các phim ảnh, clip ngắn của các nghệ sĩ, danh hài cũng lồng ghép rất nhiều phim đại ca, bạo lực... điều đó có thể ảnh hưởng tới tâm sinh lý của con em mình nên cần được chú trọng, đặc biệt quan tâm” – Thiếu tá Hùng nói.

This browser does not support the video element.

Video: Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm nói về tâm lý phạm tội của trẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn