MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Khánh An

Giải pháp phát triển kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam

KHÁNH AN LDO | 14/06/2024 09:42

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống.

Ngày 14.6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí, truyền thông đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…, chuyên gia đến từ các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Le Bros… Các tham luận và ý kiến đã tiếp cận phong phú theo nhiều góc độ, nhiều chiều cạnh về vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh kinh tế số.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng cho biết, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Hầu hết các đài truyền hình đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo trong 1 ngày trên kênh, chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo.

Theo Thứ trưởng Bộ TTTT, báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí, đối với một số cơ quan báo chí là trên 90%.

"Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống.

Ngoài ra, hiện tại các cơ quan báo chí đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước" - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay.

Theo PGS.TS Bùi Chí Trung - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay. Từ đó có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng, của hệ thống truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn.

Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” được tổ chức với 3 phiên họp, thảo luận.

Trong đó, phiên toàn thể nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam. Phiên thảo luận chuyên đề tập trung về việc đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số; bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam, những gợi mở và kết nối ý tưởng.

Các phiên thảo luận nhằm làm rõ những vấn đề sau:

- Những thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí tại Việt Nam.

- Những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến mới tại Việt Nam.

- Phân tích về những dự báo, vấn đề cần quan tâm chú trọng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

- Sự đồng hành của hệ thống cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trong lĩnh vực kinh tế báo chí nói riêng cũng như trong sự phát triển bền vững lâu dài của báo chí Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn