MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải phóng mặt bằng làm Metro số 2: Nhà “siêu mỏng” 1 mét xuất hiện

NGUYỄN HỮU HUY LDO | 22/10/2020 20:39
Tại TPHCM, sau khi giải phóng mặt bằng để làm tuyến Metro số 2, những ngôi nhà siêu mỏng “phá hỏng” diện mạo đô thị lại xuất hiện.

Cụ thể, sau khi giải tỏa mặt bằng phục vụ thi công dự án Metro số 2, trên đường Cách Mạng Tháng 8 (đoạn gần Ngã tư Bảy Hiền, phường 4, quận Tân Bình, TPHCM) đã xuất hiện một số căn nhà “siêu mỏng”.

Những căn nhà “siêu mỏng” chiều sâu chỉ 1 mét xuất hiện sau khi giải tỏa mặt bằng phục vụ thi công tuyến Metro số 2. Ảnh: Hữu Huy

Ghi nhận của PV Báo Lao động cho thấy, ba căn nhà liền kề nằm trên địa chỉ đường Cách Mạng Tháng 8 (thuộc địa bàn phường 4, quận Tân Bình) thuộc dạng “siêu mỏng”, bởi lẽ từ ranh giải tỏa đi vào vách tường bên trong căn nhà chỉ khoảng 1 mét.

Với diện tích chật hẹp, phía bên trong chỉ vừa đủ chỗ đặt 1 thang bộ để có thể di chuyển lên tầng cao hơn. Tương tự, phần diện tích phía trên những căn hộ này cũng thuộc dạng “siêu mỏng” bởi diện tích sàn quá nhỏ.

Từ cửa kéo vào vách tường bên trong chỉ vọn vẻ 2 ô gạch (khoảng 1 mét). Ảnh: Hữu Huy

Điều này dấy lên lo ngại về tình trạng mất an toàn trong quá trình sử dụng nhà ở cũng như ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị chung.

Thông tin đến PV Báo Lao động, ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND Phường 4, quận Tân Bình (TPHCM) cho biết, các căn nhà mà Báo Lao động phản ánh, nguyên thủy là những căn nhà dài. Tất cả những căn nhà ở đây đều không xây dựng mới mà họ “cắt” theo ranh giải tỏa. Hiện tại, Nhà nước đền bù và giải tỏa đến đúng ranh giới giải tỏa, ngoài ranh thì sẽ không đền bù và cũng không thực hiện giải tỏa thêm. Đồng thời, luật hiện hành không cho phép lấy đất ngoài ranh dự án. Đất có chủ quyền riêng và chủ quyền đó được Nhà nước bảo hộ mặc dù còn rất ít.

Những căn nhà “siêu mỏng” (phần khoanh đỏ) sau ranh giới giải tỏa. Ảnh: Hữu Huy

“Trong phương án bồi thường, thành phố yêu cầu cố gắng vận động những người dân có diện tích sau khi giải tỏa còn quá nhỏ thì giao cho Nhà nước. Riêng ở địa bàn phường, chỉ có 1 trường hợp vì diện tích sau giải tỏa còn quá ít nên đã giao lại cho Nhà nước. Còn lại 4 trường hợp khác thì không giao”- ông Sơn cho biết.

Theo Chủ tịch UBND Phường 4 Nguyễn Trung Sơn, đối với những căn liền kề giáp nhà dân, hộ có diện tích đất còn quá ít sau khi giải tỏa có thể thương lượng để mua lại và nhập thửa đất với nhà liền kề bên cạnh.

“Tuy nhiên, đối với trường hợp những căn nhà diện tích nhỏ mà Báo Lao động phản ánh, vì phía sau các căn nhà này là đường hẻm (Hẻm 11, đường Tự Lập) nên không thể bán (vì diện tích quá nhỏ) và cũng không thể nhập thửa với nhà lân cận”- ông Nguyễn Trung Sơn cho hay.

Tương tự, phần diện tích phía trên những căn hộ này cũng thuộc dạng “siêu mỏng” bởi diện tích sàn quá nhỏ. Ảnh: Hữu Huy

Nhìn nhận về vấn đề nhà “siêu mỏng”, ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND Phường 4, quận Tân Bình cũng đồng ý rằng những căn nhà diện tích nhỏ này ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Nhưng đối với những trường hợp này, phường tạm thời để họ giữ lại vì chủ sở hữu chưa thể tìm hướng giải quyết khác.

“Sau khi xong dự án Metro thì phường sẽ báo cáo đề xuất đến quận để có phương án chỉnh trang đô thị để đền bù và giải tỏa những căn nhà như báo phản ánh. Đó là một dự án khác, sẽ tính giá đền bù khác, vừa để chỉnh trang đô thị, vừa thông đường hẻm 11 Tự Lập ra đường Cách Mạng Tháng Tám (hiện nay hẻm 11 Tự Lập đang là hẻm cụt). Hẻm 11 Tự Lập sau khi được thông sẽ đảm bảo giao thông và an toàn phòng cháy chữa cháy hơn”- ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND Phường 4, quận Tân Bình chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn