MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giảm hồ sơ sổ sách là giảm gánh nặng cho giáo viên

Nguyễn Văn Lực - Giáo viên trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa. LDO | 29/11/2020 15:59
Bắt đầu từ ngày 1.11.2020, Thông tư 32/2020/TT - BGDĐT chính thức có hiệu lực. Thông tư 32/2020/TT - BGDĐT Điều lệ Trường trung học qui định hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Cụ thể thông tư bao gồm: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (sổ điểm cá nhân); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Như vậy Điều lệ trường trung học đã quy định không còn hai loại sổ là sổ dự giờ và sổ họp. Đây là chủ trương rất đúng đắn của Bộ GDĐT trong tình hình hiện nay nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trường học, “cởi trói” giảm bớt gánh nặng hồ sơ sổ sách cho giáo viên rất được thầy cô hoan nghênh.

Thông tư 32/2020/TT - BGDĐT cũng nói rõ các loại hồ sơ kể trên được thực hiện dạng hồ sơ điện tử thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.

Thông tư 32/2020/TT- BGDĐT được xem là một mốc son, một cải cách hành chính thiết thực trong việc tinh giản hồ sơ sổ sách của giáo viên đi đôi với việc tinh giản nội dung chương trình theo Công văn số 3280/BGDĐT - GDTrH ngày 27/8/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Việc loại bỏ sổ dự giờ và sổ họp là việc làm cần thiết giúp giáo viên có thêm thời gian đầu tư, nâng cao chất lượng giảng dạy là quan trọng thiết thực hơn thay vì phải ngồi dự giờ ghi chép tất cả các hoạt động của người dạy không cần thiết.

Theo tôi người dự giờ chỉ nên ghi chú phương pháp hay, sáng tạo của đồng nghiệp cần học hỏi để áp dụng cho mình và những điều chưa được để rút kinh nghiệm cho bản thân. Nên người dự chỉ cần tập trung vào quan sát tổ chức các hoạt động của giáo viên gồm: Hoạt động khởi động; Hình thành kiến thức; Luyện tập; Vận dụng tìm tòi, mở rộng; Việc sử dụng phương tiện dạy học và việc tiếp thu của học sinh như thế nào là được.

Hiện nay, cũng chưa có bất kỳ văn bản nào quy định mỗi giáo viên phải dự giờ bao nhiêu tiết, việc này do mỗi trường quy định, có trường đưa vào chỉ tiêu thi đua mỗi giáo viên phải dự giờ 14 tiết/ năm.

Việc dự giờ rất cần thiết đối với giáo viên nhưng chỉ với mục đích trao đổi chia sẻ, học hỏi lẫn nhau không nên tổ chức dự giờ đại trà để đánh giá tiết dạy xếp loại giáo viên mà lâu nay các trường vẫn đang tiến hành, chỉ cần dự giờ để nắm bắt thực tế giảng dạy của giáo viên mới ra trường, mới chuyển trường về, dự giờ thao giảng, thực hiện chuyên đề để bồi dưỡng nâng cao tay nghề.

Tóm lại việc quy định phải có sổ dự giờ và sổ họp là không cần thiết không phù hợp như phân tích ở trên, làm cho giáo viên tốn thời gian, công sức. Thời gian thực hiện hồ sơ để giáo viên tập trung vào giảng dạy nâng cao chất lượng thực chất, hiệu quả và cũng mong Bộ chỉ đạo quyết liệt đừng để “phép vua thua lệ làng”, trường nào không thực hiện, thêm hồ sơ gây áp lực lên giáo viên cần phải bị xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn