MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với những người đóng bảo hiểm xã hội muộn, đề xuất giảm xuống 15 năm đóng BHXH hưởng lương hưu rất thiết thực. Ảnh: Minh Hương.

Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để người lao động sớm có lương hưu

Mạnh Cường LDO | 27/11/2023 07:35

Một trong những đề xuất tại dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được rất nhiều người quan tâm, ủng hộ, đó là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để người lao động dễ dàng hưởng lương hưu.

Xung quanh nhà chị Nguyễn Thị Phượng (46 tuổi, Nam Định) có rất nhiều người hiện đã nghỉ hưu, cuộc sống chủ yếu dựa vào đồng hưu hàng tháng. Vì thế, trong thâm tâm, chị Phượng luôn muốn có một khoản lương hưu khi về già.

“Trước kia tôi cứ nghĩ vào Nhà nước mới có lương hưu nhưng tôi đã nhầm. Từ khi đi làm công ty, tôi đã được phổ biến về chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động nên cảm thấy vô cùng thiết thực. Mục tiêu về già cố gắng có vài triệu lương hưu để đỡ phiền muộn con cái, an tâm vui sống” - chị Phượng kể.

Tuy nhiên, điều mà chị Phượng lo lắng nhất là bản thân không chắc có thể làm đủ 20 năm để nhận lương hưu dù đã đóng được gần 8 năm bảo hiểm xã hội. Bởi công việc của chị Phượng rất vất vả cộng thêm áp lực khiến sức khỏe và tinh thần nữ công nhân bị ảnh hưởng tương đối.

“Như tình hình hiện tại, tôi nghĩ chỉ làm được đến 50 tuổi rồi nghỉ mà lúc đó chắc công ty cũng sa thải vì đã có tuổi” - chị Phượng cười nói.

Nếu chỉ làm đến 50 tuổi, chị Phượng mới đóng bảo hiểm xã hội được gần 12 năm. Số năm còn lại, nữ công nhân sẽ xem xét đi làm tự do bên ngoài lấy đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu.

Chia sẻ về đề xuất, chị Phượng cho biết rất mong được giảm số năm bảo hiểm xã hội xuống 15 năm. Theo nữ công nhân đề xuất này giúp chị không phải tốn quá nhiều tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thậm chí, chị Phượng cho rằng có thể cố được nếu công ty không yêu cầu nghỉ việc, sức khỏe vẫn cho phép.

Chị Phượng cũng sẵn sàng chấp nhận mức hưởng thấp hơn nhưng phải đảm bảo mức sống cơ bản. Mức sống cơ bản trong suy nghĩ của chị ở nông thôn ít nhất 2,5 triệu đồng/tháng, còn ở thành phố ít nhất 3 triệu đồng/tháng.

Mặc dù đi làm từ lúc còn khá trẻ nhưng đến nay anh Nguyễn Văn Tiến (34 tuổi, Nam Định) mới tích lũy được 1,5 năm bảo hiểm xã hội. Lý do bởi anh Tiến đã rút bảo hiểm xã hội một lần sau 9 năm đóng bảo hiểm. Sau đó làm tự do, 33 tuổi anh mới quay lại công ty làm việc, đóng bảo hiểm xã hội lại từ đầu.

Khi biết có đề xuất giảm số năm bảo hiểm xã hội xuống 15 năm để hưởng lương hưu, anh Tiến rất vui mừng. Bởi bản thân anh cũng không chắc có thể làm đủ 20 năm hay bám trụ đến khi nghỉ hưu với nghề công nhân là hơi.

“Làm công nhân lương ổn nhưng giờ giấc không thoải mái, thường xuyên bị áp lực năng suất và cả tinh thần. Mỗi lần muốn xin nghỉ làm việc riêng vô cùng khó khăn. Mỗi ngày 12 tiếng ở công ty, cuộc sống không còn thú vị như lúc đi làm tự do” - anh Tiến cho biết.

Anh Tiến hy vọng giảm còn 15 năm đóng BHXH để sớm nhận lương hưu. Ảnh: NVCC.

Do đó, trước mắt anh Tiến dự định cố làm và đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm theo đề xuất. Quãng thời gian này nam công nhân không chắc tích lũy liên tục mà có thể ngắt quãng vì nếu quá áp lực, anh sẽ xin nghỉ tạm thời ra làm tự do.

Theo anh Tiến, đề xuất giảm còn 15 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ giúp những người làm việc linh hoạt dễ đáp ứng hơn. Bởi họ sẽ cố gắng tích lũy dần dần đến khi đủ chứ không cảm thấy tiếc số năm đã đóng dẫn đến phải rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn