MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời gian qua, nhiều trường phổ thông tổ chức dạy-online cho học sinh. Ảnh: Tô Thế

Giảm tải chương trình cùng điều chỉnh Thông tư 58

Nguyễn Văn Lực LDO | 03/04/2020 12:28
Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet, trên truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Chỉ kiểm tra định kỳ sau khi học sinh đi học trở lại với bài kiểm tra định kỳ và học kỳ.

Như vậy việc đánh giá xếp loại học lực học sinh tiểu học, THCS và học sinh THPT vẫn thực hiện theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT ban hành ngày 12/12/2011. Với một số quy định sau: Về các loại bài kiểm tra: Kiểm tra thường xuyên gồm: Kiểm tra miệng; kiểmtra viết dưới 1 tiết; kiểm tra thực hành dưới 1 tiết. Kiểm tra định kỳ gồm: Kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên; kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên; kiểm tra học kỳ.

Thông tư 58 tất nhiên áp dụng trong điều kiện bình thường, còn trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, Bộ GDĐT cần có điều chỉnh sao cho hợp lý phù hợp với gảm tải chương trình học kỳ II. Nếu được có thể không thực hiện kiểm tra thường xuyên, vì những lẽ sau:

Về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, việc học qua Internet, truyền hình khi tất cả học sinh được tham gia học tập (100%) điều này khó đảm bảo vì điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật từng địa phương, từng nhà trường, từng giáo viên, từng gia đình, từng phụ huynh, từng học sinh không có sự đồng bộ cần thiết nên quyền lợi và nghĩa vụ học tập của học sinh khó có sự công bằng khi thực hiện kiểm tra thường xuyên. Nhiều học sinh vùng sâu, xa… khó tiếp cận được (mất kiến thức).

Về tính khách quan, trung thực, để đảm bảo sự công bằng cho học sinh trong kiểm tra thường xuyên cần phải có sự giám sát của thầy cô giáo nhưng điều này khó thực hiện qua dạy học trên truyền hình và trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, như vậy yếu tố trung thực trong kiểm tra có đảm bảo được không?

Về thực tế, việc dạy trên truyền hình và trực tuyến trong thời gian qua ở các địa phương chưa có sự thống nhất và cũng chưa được kiểm tra, đánh giá. Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh hiện nay, việc học sinh trở lại học chính khóa trên trường hay học từ xa thì việc  giảm tải chương trình  là điều chắc chắn bởi thời gian của năm học không còn nhiều (12 tuần).

Khi Bộ có hướng dẫn giảm tải các đơn vị kiến thức trong chương trình học ở học kỳ II (giảm từ năm đến bảy tuần) thì đương nhiên số lượng bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ rất áp lực cho học sinh, nên cũng cần phải giảm số lượng bài kiểm tra theo chương trình giảm tải là cần thiết và hợp lý.

Về kiến thức, việc dạy học trên Internet, truyền hình là giải pháp tình thế, là cứu cánh xuất phát từ tình hình học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh không đến trường. Để không gián đoạn việc học, quên kiến thức đã học theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, nhiều sở GDĐT tiến hành hình thức dạy học này, tuy nhiên nội dung, kiến thức dạy chủ yếu là ôn tập, củng cố, hệ thống kiến thức… đã học của học kì I là chính chỉ có một vài địa phương dạy kiến thức của học kì II vì tất cả thầy cô đang chờ hướng dẫn giảm tải chương trình của Bộ để làm căn cứ dạy kiến thức mới. Nên việc kiểm tra thường xuyên (kiến thức họckì I đã kiểm tra sơ kết xong trong học kì I) có nhất thiết phải kiểm tra lại nữa không? Còn thực hiện kiểm tra kiến thức mới phải chờ giảm tải của Bộ trong thời gian tới. Thiết nghĩ Bộ nên tiến hành song song việc giảm tải cùng với điều chỉnh thông tư 58 là cần thiết.

Với những lẽ trên việc sửa đổi Thông tư 58, giảm bài kiểm tra thường xuyên để đảm bảo sự công bằng và giảm áp lực trong kiểm tra học tập của học sinh trong mùa dịch bệnh này là việc cần nên làm mà Bộ cũng phải tính đến cùng với việc giảm tải chương trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn