MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Shipper tráo điện thoại "cùi bắp" để lấy iPhone mua qua phương thức thương mại điện tử (tại Hạ Long, Quảng Ninh). Ảnh: TT.

Gian lận giao nhận hàng làm tổn thương ngành thương mại điện tử

Thế Lâm LDO | 19/12/2020 17:44
Thêm một vụ shipper tráo điện thoại “cùi bắp” với điện thoại iPhone X, iPhone Pro Max để giao cho khách mua hàng qua thương mại điện tử bị phát hiện tại Quảng Ninh.

Hai bị can bị khởi tố là Nguyễn Quang Tú (sinh năm 1995), nhân viên một đơn vị giao hàng; và Phạm Trọng Thủy (sinh năm 1987). Cả hai gian lận bằng cách tráo điện thoại “cùi bắp” để lấy điện thoại đắt tiền iPhone X và iPhone Pro Max với tổng giá trị khoảng 32 triệu đồng.

Đây là vụ việc gian lận thứ 3 rút ruột iPhone khách hàng đặt mua bằng cách tráo vào từ gạch đá cho đến hộp màu tô và điện thoại “cùi bắp” trong khoảng thời gian một tuần trở lại đây (từ ngày 9-15.12.2020).

Còn nhớ sau 2 vụ việc mua iPhone 12 Pro Max nhưng lại nhận được cục đá, hộp màu tô, ông chủ của chuỗi bán lẻ là nơi gửi đi các kiện hàng đã “kêu trời” với các đối tác giao nhận: “Các bạn làm vậy là giết chết thị trường thương mại điện tử”.

Trên thực tế, thị trường thương mại điện tử Việt Nam mỗi năm vẫn đang tăng trưởng mạnh bình quân từ 20-30%, tuy nhiên dung lượng thị trường còn khá khiêm tốn. Người mua qua thương mại điện tử đa phần chỉ mua các món hàng có giá trị nhỏ.

Sở dĩ, các khách hàng mua iPhone 12 Pro Max mới có mức giá vài chục triệu đồng qua online là vì các chuỗi chỉ cho đặt hàng sớm online với nhiều ưu đãi chứ chưa bán trên các kênh offline (tại cửa hàng) tại thời điểm đầu và giữa tháng 11.

Việc mua hàng online, trên thực tế sau đó nhận được món hàng khác xa với hình ảnh trên website, chất lượng hoàn thiện cũng một trời một vực, chỉ bằng cảm quan ban đầu đã có thể thấy món hàng giao đến có chất lượng kém, rẻ tiền… đã từng xảy ra không ít.

This browser does not support the video element.

Clip hộp iPhone 12 Pro Max bị rút ruột và tráo vào bằng những hộp màu tô. Nguồn: KHCC.

Với iPhone mới, người dùng mua qua online có nhiều lí do, nhưng trên hết là họ tin rằng nếu sản phẩm là chính hãng thì không cần phải lo lắng về chất lượng. Thế nhưng, nhận thức có phần cởi mở này của khách hàng đã gặp ngay “gáo nước lạnh” mới, đó là các vụ rút ruột, gian lận trong các kiện hàng liên tục xảy ra.

Trong số các vụ trên và cả những vụ gian lận tương tự điển hình vào các năm 2016 (ở Yên Bái) và 2018 (ở TPHCM), có vụ đã bị phát hiện, phanh phui và đối tượng trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác đã phải nhận hình phạt xứng đáng của luật pháp. Đó là mức chế tài vì hành vi sai trái, có tính chất trực tiếp gây ra đối với bên gửi hàng hoặc bên mua.

Còn có một hệ lụy, có tác động không nhỏ, như lời ông chủ chuỗi bán lẻ điện thoại đã đề cập: Những vụ gian lận như trên có thể “giết chết thị trường thương mại điện tử”, hay chí ít nó cũng gây tổn thương cho ngành thương mại điện tử còn khá non trẻ và dung lượng thị trường chưa thực sự lớn lắm tại Việt Nam.

Với nhà bán lẻ hay công ty giao nhận, có những “con sâu làm rầu nồi canh” vì lòng tham mà bất chấp hành vi vi phạm pháp luật cho dù hành vi sai trái của họ “chạy trời không khỏi nắng”. Nhưng lòng tham đó còn gây hại đến một thị trường thương mại theo phương thức trực tuyến vốn dĩ rất cần đến uy tín của các bên bán hàng, giao hàng để từ đó tạo dựng, củng cố niềm tin từ bên mua hàng là người tiêu dùng.

Có thể bên bán lẻ hoặc bên giao nhận đứng ra khắc phục thiệt hại bằng cách bồi thường cho khách hàng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giúp khôi phục được 100% niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường thương mại điện tử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn