MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người cha đánh con trai mình khoảng 2 năm trước, khi clip tung lên mạng, "giang hồ mạng" kéo đến tận nhà "dạy dỗ". Ảnh cắt từ clip.

"Giang hồ mạng" lấy quyền gì để tự ý hành hung người khác?

Phạm Đông - Huyền Thanh LDO | 20/10/2019 11:24

Việc nhiều vụ việc mượn cớ chống lại cái xấu, hành hung người khác xảy ra gần đây đang khiến nhiều người giật mình dù đây chỉ là số ít trong rất nhiều hành vi ứng xử thiếu suy nghĩ, phản cảm của một bộ phận thiếu hiểu biết pháp luật, hùa theo đám đông.

Mới đây, tại xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã xảy ra sự việc một người đàn ông bị đánh bầm mặt vì bị gán cho hành vi bắt cóc trẻ em. Công an huyện Thường Xuân đang tiếp tục xác minh, làm rõ sự việc trên. Đồng thời, tiến hành triệu tập những người liên quan do đã tung tin trên mạng xã hội không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận.

Trước đó, ngày 18.10, Công an TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, đang làm rõ nội dung clip bé trai bị cha ruột đánh và hành vi của những người liên quan. Sau khi clip này được đăng trên mạng xã hội, trưa 17.10, khoảng 100 người tự nhận mục đích "bảo vệ trẻ em" đã đi xe máy, ôtô tìm đến nhà trọ của người đàn ông này. Sau đó, có một số người lao vào đánh đánh đập, hành hung nạn nhân khiến nhiều người bức xúc.

Theo nhiều bạn đọc, chỉ vì mù quáng tin theo mạng xã hội, dựa vào những phán đoán chủ quan của bản thân mà hàng chục đối tượng đã lao vào đánh người nghi bắt cóc trẻ em, đánh người cha ruột bạo hành con đến thừa sống thiếu chết là vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến xã hội.

Bạn đọc Nguyễn Ngân cho biết, thực tế thời gian qua đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng bắt nguồn từ những thông tin ảo. Điều này thể hiện sự tàn bạo, ngu dốt và coi thường pháp luật của không ít người dùng mạng xã hội. Có thể nói đây là những đối tượng không hiểu biết luật pháp, hợp lại thành một nhóm thì rất nguy hiểm, xã hội cần lên án mạnh mẽ.

Bị gán cho tội bắt cóc trẻ con, người đàn ông bị đánh bầm dập. Ảnh: CACC.

"Tôi không đồng tình với hành vi người cha đánh con mình không thương xót như vậy, với hành vi đánh con mình, sẽ có cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Còn nhóm người đánh bầm giập người đàn ông bị gán cho tội bắt cóc trẻ em thể hiện tâm lý đám đông, thói côn đồ, hung hãn và coi thường pháp luật. Tất cả mọi người phải tuân thủ theo pháp luật, để tránh trường hợp xấu xảy ra" - ý kiến của bạn đọc Hoàng Ngọc.

Cùng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Lâm chi rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật, lối sống “ảo” của một số cá nhân hoặc do ý đồ phá hoại, gây mất an ninh trật tự. Việc hàng chục người lao vào đánh một người chỉ vì nghi họ bắt cóc trẻ em không phải là biểu hiện nghĩa cử cao đẹp, muốn ngăn chặn khi thấy chuyện bất bình mà đơn thuần là do tâm lý bị kích động, hùa theo đám đông.

Còn bạn đọc Hoàng Như nêu quan điểm, pháp luật khuyến khích việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật như tham gia đuổi bắt kẻ trộm, bắt cóc người… song chỉ quy định trường hợp chống trả, bắt người đúng luật đó là phòng vệ chính đáng và trong tình thế cấp thiết. Do đó, việc đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho người khác khi chưa có bằng chứng chứng minh họ phạm tội và ngay cả khi họ đã phạm tội là không được phép.

"Những tin đồn bắt cóc trẻ em gây bất an trong dư luận và cơ quan chức năng phải mất không ít thời gian và công sức để vào cuộc kiểm tra, xử lý. Còn trong vụ đánh con từ 2 năm trước, cha bị dân mạng xã hội tìm tận nơi “dạy dỗ” thì người cha cũng sai, nhóm giang hồ mạng càng sai. Đề nghị pháp luật xử lý nghiêm vụ này, tránh tạo tiền lệ xấu gây mất trật tự xã hội" - bạn đọc Xuân Quỳnh đề nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn