MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đến hết ngày 31.12.2022 sẽ chấm dứt việc sử dụng hộ khẩu giấy. Ảnh: Tr.X

Giao dịch hành chính thế nào khi không còn sổ hộ khẩu?

Minh Phương LDO | 30/06/2021 09:30
Từ ngày 1.7, khi người dân đăng ký thay đổi thông tin trong hộ khẩu, cảnh sát sẽ cập nhật vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thu hồi sổ giấy. Và đến hết ngày 31.12.2022 sẽ tiến tới bỏ sổ hộ khẩu giấy, thay thế bằng sổ hộ khẩu điện tử. Nhiều bạn đọc cho rằng, đây là quyết định phù hợp với thời đại công nghệ 4.0, bỏ được nhiều thủ tục hành chính rườm rà...

Bỏ được thủ tục hành chính

Bạn đọc Duy Hải bày tỏ: Thu hồi sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1.7 khi thay đổi thông tin, tiến tới bỏ sổ hộ khẩu sẽ bỏ được nhiều thủ tục hành chính. Người dân sẽ không phải sử dụng nhiều loại giấy tờ photo, sao y mất thời gian nữa. Tất cả sẽ truy cập bằng mã định danh cá nhân. Các đơn từ, giấy xác nhận, đăng ký... sẽ khai báo theo mẫu trên mạng và email rồi gửi đi. Không còn cảnh đến các cơ quan chầu chực đăng ký, nộp hồ sơ giấy tờ.

Bạn đọc Quang Anh nêu quan điểm: Hoàn toàn nhất trí với việc thu hồi sổ hộ khẩu để chuyển sang hộ khẩu điện tử. Nhìn xem tất cả thông tin trên sổ hộ khẩu hiện nay đều có trên CCCD và CMND, riêng mối quan hệ thì đã có ghi trong giấy khai sinh, thì không lý do gì chúng ta phải cầm cuốn sổ hộ khẩu kè kè bên mình.

Bạn đọc Hoài Anh cho hay: Theo tôi, nên bỏ hẳn cơ chế hộ khẩu, chứ không chỉ bỏ hình thức sổ hộ khẩu giấy. Hộ khẩu là sự phân biệt vùng miền không công bằng vì tất cả mọi người sinh ra trên nước Việt Nam đều có quyền bình đẳng.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy, thực hiện thủ tục khác ra sao?

Nhiều bạn đọc băn khoăn những giao dịch hành chính sẽ được thực hiện như thế nào khi không còn sổ hộ khẩu? Về vấn đề này, Cục Pháp chế cho biết, Bộ Công an đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng từ Trung ương đến địa phương (cấp xã, phường, thị trấn) và bước đầu triển khai một số dịch vụ tra cứu, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu.

“Bộ Công an đang gấp rút kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, hoàn thiện các phương thức khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” - Cục Pháp chế cho hay.

Theo đó, từ 1.7, nếu người dân không sử dụng sổ hộ khẩu vẫn có thể khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các giao dịch liên quan đến thông tin về cư trú.

Khi người dân cần thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cư trú công dân như xin việc, xin học, hay mua bán nhà... thì người dân chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân cho các cơ quan, tổ chức đó. Từ số định danh cá nhân, các cơ quan, tổ chức sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để khai thác các thông tin cơ bản của công dân trong cơ sở dữ liệu phục vụ cho giao dịch hành chính.

Hiện lực lượng công an đang triển khai cấp CCCD trên toàn quốc và phấn đấu đến ngày 1.7.2021, công dân có thể sử dụng thẻ CCCD để thực hiện các thủ tục hành chính thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu.

“Khi hoàn thiện dự án cơ sở dữ liệu này, từ ngày 1.7 người dân có thể không cần cầm sổ hộ khẩu giấy đi giao dịch. Mỗi công dân có một mã số định danh, một tệp hồ sơ riêng, cảnh sát chỉ cần tra họ tên trên máy tính để xem xét, hoàn thiện hồ sơ. Thậm chí người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến” - Cục Pháp chế cho biết.

Theo Cục Pháp chế cải cách hành chính tư pháp, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực ngày 1.7.2021, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31.12.2022.

Về thủ tục đăng ký thường trú lần đầu, người dân sẽ phải khai vào tờ khai điện tử về thay đổi thông tin cư trú, cung cấp giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp để cảnh sát kiểm tra và cập nhật vào hồ sơ trên hệ thống cơ sở dữ liệu cư trú. Thủ tục này được rút ngắn tối đa còn 7 ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn