MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa

Giáo dục huy động sức dân nhiều nhưng giáo viên vẫn chưa thể sống bằng lương

Lê Xuân Chiến LDO | 24/05/2016 11:14
Giáo dục đang huy động sức dân 1 cách vô lối, thế nhưng GV vẫn chưa sống bằng lương. Các khoản tiền huy động của phụ huynh nằm ngoài danh sách kế toán, kiểm toán, tự thu tự chi. Đây là một kẻ hở trong phòng chống tham nhũng trong ngành giáo dục chăng?

Chưa bao giờ trong giáo dục lại huy động sức dân nhiều như hiện nay. Học phí thì ít, nhưng “phụ phí” rất nhiều. Mỗi học sinh đóng không biết bao nhiêu khoản tiền. Gánh nặng oằn lên vai phụ huynh, nào là quỹ hội phụ huynh trường, quỹ hội phụ huynh lớp, quỹ khen thưởng, quỹ công trình thanh niên, quỹ măng non, quỹ đoàn, quỹ đội, quỹ khuyến học, quỹ hội chữ thập đỏ, quỹ vì bạn nghèo, quỹ khen thưởng, các khoản đóng góp trong các dịp văn nghệ, cắm trại, thành lập trường, xây dựng trường chuẩn ... 

Nhà trường xin đừng lấy học sinh làm “bức bình phong”. Các em đang đi học, nhiều em gia đình khó khăn phải nhịn ăn sáng, không có tiền ở trọ, phải đạp xe cả 10 cây số, các em lấy đâu ra tiền để ủng hộ, đóng góp. Vậy là “trăm dâu đổ đầu tằm”, đổ lên vai phụ huynh. Đó là chưa kể nhiều em phải học thêm, rẻ nhất cũng phải 100-200 nghìn đồng/ môn/ tháng. 

Tất cả các khoản đóng góp, các khoản nộp ngoài học phí đều được hợp thức hóa dưới danh nghĩa “tự nguyện” và “xã hội hóa giáo dục”. Hiệu trưởng viết thư kêu gọi, giáo viên chủ nhiệm vận động, ban đại diện phụ huynh nhà trường nhất trí, hỏi phụ huynh, học sinh nào “dám” không đồng ý ? 

Xưa Trần Hưng Đạo chỉ ra kế sách dựng nước là phải “khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc”. Nay càng ngày ngành giáo dục càng huy động sức dân quá nhiều. “Xã hội hóa giáo dục” không có nghĩa là huy động đóng góp quá mức đối với phụ huynh học sinh. Từ năm học tới, Chính phủ quy định mức học phí mới, tăng hơn mức cũ, liệu năm học đến các khoản đóng góp của phụ huynh có được giảm bớt ? 

Vấn đề đặt ra tiếp tục là : Huy động sức dân quá nhiều, vậy giáo viên đã sống được “bằng lương” chưa ?

Xin thưa ngay rằng, hai điều này tưởng như có mối liên hệ, nhưng thực tế hoàn toàn không liên qua đến nhau. Bởi vì, khoản thu của nhà trường huy động sức dân, hay nói thẳng là “lạm thu” này là khoản thu ngoài quy định, hạch toán thu chi trong phạm vi nội bộ nhà trường, chứ đâu có nộp vào ngân sách nhà nước. 

Nhiều nhà giáo còn nhớ lời phát biểu của một cựu bộ trưởng Bộ GD&ĐT : phấn đấu đến năm 2010 giáo viên sống được bằng lương. Vậy bây giờ đã quá gần 6 năm, giáo viên đã sống được bằng lương chưa ? Hiện nay mức lương của một giáo viên THPT có 15 năm đứng lớp chỉ khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Chỉ giáo viên nào dạy từ 20 năm trở lên hoặc dạy ở những vùng có chế độ ưu đãi của Nhà nước thì mức lương mới khá hơn. Vậy đa số giáo viên không sống được bằng lương thì sống bằng gì, trong khi họ cũng có gia đình, con cái đi học và thực hiện các khoản đóng góp nghĩa vụ đối với xã hội ? Các giáo viên dạy môn tự nhiên thì dạy thêm để cải thiện đời sống. Các giáo viên dạy môn xã hội thì chỉ biết “thắt lưng buộc bụng” thôi, không biết kêu ai. 

Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo : “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Trong khi đó lương nhà giáo hiện nay chỉ xếp thứ 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Liệu đến bao giờ kỳ vọng trên mới trở thành hiện thực. 

Bản thân ngành giáo dục và tân bộ trưởng của ngành không thể quyết định vấn đề này. Vấn đề nợ công, bội chi ngân sách vẫn còn đó, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Tăng lương cho giáo viên bằng nguồn tăng học phí không phải là một giải pháp hữu hiệu và phù hợp hiện nay. 

Số lượng học sinh ngày càng giảm dần, giáo viên lao động chưa đủ định mức quy định, không ít trường giáo viên chỉ dạy dưới 9-15 tiết/ tuần, thời gian còn lại dùng dạy thêm. Mong rằng sắp tới ngành giáo dục sẽ sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo hợp lý “trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác, có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ” như Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương đã chỉ đạo. 

Lê Xuân Chiến Quảng Nam

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn