MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh trường THCS Phúc Ứng (huyện Sơn Dương-tỉnh Tuyên Quang) tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. ​ Ảnh: Anh Chung/BTQ

Giáo dục tình yêu nước cho học sinh: Không chỉ bằng môn Lịch sử

QUANG ĐẠI LDO | 14/05/2022 08:29

Việc giáo dục tình yêu nước cho học sinh thông qua giảng dạy môn Lịch sử là một giải pháp, chứ không phải là giải pháp duy nhất và quan trọng nhất.

Dư luận xã hội đang hết sức quan tâm với việc môn Lịch sử là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Có nhiều ý kiến gửi lên Quốc hội, Chính phủ, Bộ GDĐT đề nghị giữ nguyên Lịch sử là môn học bắt buộc như hiện nay.

Những người kiến nghị cho rằng Lịch sử gắn với lòng yêu nước, là môn học quan trọng giáo dục học sinh ý thức tự hào dân tộc, gắn bó với văn hóa truyền thống, do đó cần phải là môn học bắt buộc.

Quan niệm nói trên không sai, tuy nhiên thực tế các kiến thức cơ bản, phổ thông về môn Lịch sử đã được giảng dạy từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở. Đến trung học phổ thông, với mục tiêu giảm tải, tăng hiệu quả và tạo điều kiện cho học sinh đi sâu vào định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được xếp vào nhóm môn học tự chọn. Những học sinh yêu thích môn Sử hoàn toàn có thể được thỏa mãn đam mê.

Thực tế việc dạy học Lịch sử như hiện nay hiệu quả rất thấp. Do phải học dàn trải quá nhiều môn và phương pháp dạy học còn hạn chế, học sinh chỉ tập trung vào các môn phục vụ cho định hướng thi đại học và nghề nghiệp. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, trong số 563.013 thí sinh dự thi môn Lịch sử thì có đến 468.628 thí sinh có điểm dưới trung bình, chiếm 83,24%, mức điểm trung bình là 3,79, có đến 1.277 thí sinh bị điểm liệt (dưới 1 điểm), trong đó có 527 thí sinh bị điểm 0. Năm 2019, điểm thi môn Lịch sử của kỳ thi THPT quốc gia trung bình chỉ đạt 4,3, là một trong những môn có điểm thi thấp nhất.

Nếu không có giải pháp đột phá, kết quả học môn thi Lịch sử vẫn sẽ không được cải thiện. Khi học sinh phải học quá nhiều môn, bị bắt buộc học môn các em không thích, sẽ dẫn đến đối phó, không hiệu quả, học xong trả kiến thức lại cho thầy.

Trong khi đó, có rất nhiều giải pháp nâng cao, khắc sâu kiến thức lịch sử không chỉ cho học sinh mà còn cả toàn dân nếu được chú trọng và thực hiện sẽ rất hiệu quả. Ví dụ, có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa, về nguồn, tham quan di tích, danh thắng, tổ chức xây dựng các game lịch sử Việt, làm phim lịch sử, dã sử... Lịch sử là môn học suốt đời, hấp dẫn dành cho mọi người, nếu có những giải pháp phù hợp.

Quan trọng hơn nữa, muốn giáo dục tình cảm yêu nước cho thế hệ trẻ, người lớn phải làm gương. Không gì sinh động và thuyết phục bằng những tấm gương trí tuệ, trung thực, liêm chính, nhân văn, phụng sự Tổ quốc của người lớn, cha mẹ, thầy cô, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Mọi người đoàn kết, cùng hành động, nỗ lực vì Tổ quốc Việt Nam hùng cường, đó là cách giáo dục tình yêu nước thiết thực và hiệu quả nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn