MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trắng tay sau 25 năm công tác vì các văn bản chồng chéo, bà Hoàng Thị Lan phải đi làm công nhân may ở miền Nam để mưu sinh. Ảnh: QĐ

Giáo viên bị cắt lương hưu: Không thể ban hành công văn trái với nghị định

QUANG ĐẠI LDO | 21/04/2022 10:35

Liên quan trường hợp giáo viên ở Nghệ An bị cắt lương sau 6 tháng nghỉ hưu, luật sư cho rằng cơ quan chức năng không thể ban hành văn bản cá biệt có nội dung trái với văn bản quy phạm pháp luật.

Như Lao Động đã phản ánh, bà Hoàng Thị Lan, giáo viên ở Nghệ An đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo theo điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định số 135/2020: “Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021”.

Tuy nhiên, sau khi đã giải quyết cho bà Lan nghỉ hưu, ngày 14.10.2021, Bộ LĐTBXH có Công văn số 3582 hướng dẫn: “Khi xem xét, giải quyết chế độ hưu trí đối với người lao động có thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì chỉ tính thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn từ ngày 1.1.2021 trở đi; thời gian trước ngày 1.1.2021 không tính theo vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn mà tính theo nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên”.

Do có Công văn số 3582 của Bộ LĐTBXH, BHXH Việt Nam có văn bản cho rằng trường hợp bà Lan không đủ điều kiện nghỉ hưu, nên BHXH huyện Tương Dương đã ban hành quyết định cắt và thu hồi lương hưu đã nhận đối với bà Lan. Ở tỉnh Kon Tum cũng có 2 trường hợp tương tự.

UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị các Bộ ngành trung ương hướng dẫn giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với 2 viên chức. Ảnh: QĐ

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Tất Thắng (Nghệ An) cho biết:

Theo nội dung bài báo, việc Bộ LĐTBXH có Công văn số 3582 hướng dẫn thời gian trước ngày 1.1.2001 không tính theo vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn là cách hiểu sai về Nghị định 135/2020. Điểm b khoản 1 điều 5 Nghị định số 135/2020 quy định về tuổi nghỉ hưu nhằm cụ thể hóa quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của người lao động theo khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động.

Theo đó người lao động đã làm việc đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn trước ngày 1.1.2021 có quyền nghỉ hưu trước tuổi. Quy định như trên rõ ràng, dễ hiểu nên không cần thiết ban hành văn bản giải thích để áp dụng. Tinh thần của Nghị định 135/2020 là giải quyết “hưu non” cho người lao động được áp dụng từ ngày 1.1.2021.

Tuy nhiên, với cách hướng dẫn của Bộ LĐTBXH thì Nghị định 135 bị đẩy lùi hiệu lực đến 15 năm, đến năm 2036 mới được áp dụng?

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam thì Bộ trưởng chỉ có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật duy nhất là Thông tư. Vì vậy Công văn số 3582 của Bộ LĐTBXH không phải là văn bản quy phạm pháp luật vừa hướng dẫn sai nội dung của Nghị định 135/2020 nên không có hiệu lực pháp luật.

Một số viên chức ở Nghệ An, Kon Tum đã được nghỉ hưu đúng theo quy định nhưng bị cắt và thu hồi toàn bộ lương hưu là vi phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Người lao động cần khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình.

Luật sư Tô Bá Thanh (TPHCM) cũng cho biết, hiện nay vẫn có nhiều cán bộ công chức chưa phân biệt được văn bản cá biệt và văn bản quy phạm pháp luật.

“Trường hợp văn bản cá biệt có nội dung trái với văn bản quy phạm pháp luật, công chức có thể không thực hiện hoặc vẫn thực hiện nhưng phải báo cáo cấp trên, để cấp trên sửa đổi hoặc bãi bỏ văn bản cá biệt trái luật” – luật sư Tô Bá Thanh nói và cho biết thêm đối với trường hợp Công văn số 3582 ngày 14.10.2021 của Bộ LĐTBXH, cơ quan chức năng có thể kiến nghị Bộ LĐTBX hoặc Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp để điều chỉnh hoặc bãi bỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn