MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên môn phụ đặt nhiều hy vọng vào cải cách tiền lương. Ảnh: NVCC

Giáo viên dạy môn phụ đặt nhiều hy vọng vào cải cách tiền lương

MỸ LY - HOÀNG CHÂU LDO | 02/11/2023 06:01

Dự kiến khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW, mức lương mới của giáo viên sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Với những dấu hiệu tích cực này, giáo viên trên cả nước, nhất là thầy cô dạy các môn phụ, đều mong chờ chính sách sớm đi vào thực tiễn để bớt đi gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Làm thêm 2, 3 việc

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà (giáo viên vật lý, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) hiểu rõ những nhọc nhằn của nghề giáo.

“Nếu không vì yêu nghề, có lẽ tôi cũng không gắn bó đến bây giờ. Bởi với đặc thù riêng, công việc này cũng có những áp lực của nó. Chẳng hạn, giáo viên không chỉ dạy mà còn phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, thích ứng với chương trình giáo dục mới. Khi đến lớp, phải có cách giảng hay, hiện đại, đảm bảo cho các em hiểu bài. Ngoài ra, giáo viên còn phải chuẩn bị hồ sơ, giáo án dạy học hay những cuộc họp phụ huynh nếu kiêm vai trò giáo viên chủ nhiệm,…”, cô Hà tâm sự.

Dù khối lượng công việc nhiều nhưng đồng lương mà nữ giáo viên này nhận được chưa thực sự tương xứng: “Lúc mới vào nghề, tiền lương giáo viên rất ít, có thể nói là 3 cộc 3 đồng, gói ghém mới sống được. Vài năm gần đây, lương tôi cao hơn một chút nhờ thâm niên và cải cách tiền lương. Nhưng để trang trải cũng như lo cho con gái vào đại học thì vẫn thiếu trước hụt sau”.

Cho nên, để có thêm thu nhập, cô Hà đã trải qua nhiều nghề tay trái. Theo đó, trước đây, cô bán tạp hoá nhỏ trước nhà rồi nhận giặt đồ thuê. Mấy năm gần đây, cô chuyển sang làm thêm trong một showroom áo cưới với công việc chủ yếu là thêu thùa, may vá, đính hạt cườm.

Thầy N.P.Y (giáo viên địa lý, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), cho biết, so với các giáo viên có thâm niên, lương của thầy không cao bằng. Để sống được với thu nhập hàng tháng, thầy giáo trẻ này phải chi tiêu tiết kiệm. Tuy nhiên, do yêu nghề và đam mê, thầy vẫn ngày ngày đem tri thức truyền lại cho các học sinh bằng tất cả tâm huyết.

“Trong những ngày đầu đi dạy, tiền lương của tôi không nhiều, gói ghém lắm mới vừa đủ trang trải. Tuy nhiên, do yêu nghề nên tôi vẫn cố bám trụ. Đến nay, lương mỗi tháng của tôi hơn 5 triệu đồng (bao gồm đóng bảo hiểm), nếu tiết kiệm thì trừ tất cả các chi phí như: ăn uống, đi lại, nhà trọ, mỗi tháng tôi còn dành dụm được một ít”, thầy Y chia sẻ.

Đặt nhiều hy vọng vào cải cách tiền lương

Một mình lo cho con gái ăn học và trang trải cuộc sống nơi thành thị khiến cô Hà có phần chật vật, nhất là ở độ tuổi 51, sức khỏe không như trước, việc làm thêm 2, 3 nơi trở nên quá sức với nữ giáo viên này. Cho nên, khi nghe tin nếu thực hiện cải cách tiền lương, mức lương mới của giáo viên sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng, cô Hà không khỏi vui mừng.

“Vì cuộc sống gia đình nên tôi mới cố làm thêm bên ngoài. Nhưng tuổi tác, sức khỏe không cho phép tôi tiếp tục. Vì vậy, tôi rất trông đợi việc cải cách tiền lương sớm được thực hiện để thu nhập của giáo viên các cấp đều được tăng lên, đủ đáp ứng mức sống. Có như thế, chúng tôi có thể toàn tâm dạy học, tiếp tục bám nghề. Đồng thời, có thể tạo động lực, thu hút những sinh viên Sư phạm trên cả nước cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, cô Hà nói.

Thầy Y cũng hy vọng sau cải cách tiền lương, thu nhập của bản thân có thể tăng lên để theo kịp giá cả hàng hóa trên thị trường: “Tăng lương cho giáo viên là điều tất yếu trong thời buổi hiện nay. Việc điều chỉnh tiền lương có thể không quá lớn so với hiện tại nhưng ít ra nó có thể giúp người lao động, viên chức ngành giáo dục có thêm thu nhập xoay sở chi tiêu hằng ngày. Bởi hiện mọi thứ như xăng, gạo, nhu yếu phẩm đều tăng chóng mặt”.

Nghị quyết 27-NQ/TW khẳng định, khi thực hiện cải cách tiền lương, mức lương mới của giáo viên sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của giáo viên cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của giáo viên phải bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn