MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên hiến kế chương trình học phù hợp với dịch COVID-19

HUYÊN NGUYỄN LDO | 26/02/2020 19:12

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cô giáo Phạm Thái Lê – giáo viên Trường Marie Curie, Hà Nội kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch cụ thể, chủ động hơn để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Thời điểm kết thúc năm học vào cuối tháng 6 là hợp lý.

Có khung chương trình linh hoạt 


Bà Phạm Thái Lê – giáo viên Trường Marie Curie, Hà Nội. Ảnh: NV

Chia sẻ với Lao Động, cô giáo Phạm Thái Lê – giáo viên Trường Marie Curie, Hà Nội đề xuất Bộ nên chủ động xây dựng chương trình phù hợp hơn. Bà Lê cho rằng năm học có thể kết thúc ở thời điểm cuối tháng 6 như dự kiến của Bộ là hợp lý, bởi như một số đề xuất, việc kéo dài sang tháng 7 thời tiết nắng nóng, vất vả gây tâm lý căng thẳng cho năm học, dẫn đến đảo lộn diễn biến của các kỳ thi, kỳ tuyển sinh, có thể gây ảnh hưởng đến năm học 2021-2022.

Tuy vậy, trước diễn biến của dịch bệnh, chưa thể biết chính xác thời gian học sinh có thể đi học trở lại, giáo viên này mạnh dạn đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể cắt giảm, lược bỏ một số kiến thức trong chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 với tất cả các bộ môn.

“Về mặt chương trình hiện nay chúng ta đang rất ôm đồm và nặng nề. Nhiều chuyên gia, các nhà giáo dục đã chỉ ra những kiến thức không cần thiết của chương trình phổ thông trong nhiều năm qua. Vì thế, Bộ hãy mạnh dạn cắt bớt hoặc giảm bớt số tiết quy định.

Bên cạnh khung chương trình hiện hành đang có, Bộ nên có thêm những khung linh hoạt cho các thời điểm để ứng phó với tình hình dịch bệnh. Ví dụ, nếu học sinh trở lại trường vào ngày 2.3 thì lược phần nào, nếu trở lại vào 9.3 hay 16.3, 23.3… thì thu gọn phần nào. Cứ vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch cụ thể để các nhà trường, giáo viên chủ động hơn trong công tác giảng dạy”, bà Lê nói.

Về lâu dài, Bộ cũng nên đưa ra các khung chương trình linh hoạt chứ không khô cứng như hiện nay để phòng những năm, những địa phương có dịch bệnh, thiên tai tương tự để không bị bị động.

Mong chờ phương án chủ động

Nữ giáo viên bày tỏ lo lắng: “Tôi rất sốt ruột vì mình không làm được gì mà trò cũng chưa biết Bộ sẽ giải quyết như thế nào. Rồi đời sống của giáo viên hợp đồng khi không có tiền lương dạy, không chủ động được công việc. Để giải quyết bài toán về đời sống, chương trình, tâm lí cho phụ huynh, học sinh, giáo viên, Bộ cần có giải pháp đồng bộ, chủ động trên cả nước chứ không để các địa phương mạnh mún, tự phát, mỗi tỉnh làm một cách sẽ không đồng bộ”.

Bên cạnh đó, theo bà Lê, mỗi năm học đều có 2 tuần dự trữ, 2 tuần này không ảnh hưởng đến việc giảm bớt 1 số tiết học, giảm thời lượng giảng dạy. Thực tế, học sinh đang nghỉ học 1 tháng, nếu đi học từ 2.3 thì chỉ cần đến 15.5 cũng có thể hoàn thành chương trình rồi.

Bà Lê cho rằng cần linh hoạt các phương án khi học sinh quay trở lại học tập. Ảnh: Huyên Nguyễn

“Một thực tế ai cũng nhìn thấy, như thường lệ năm học kết thúc vào 30.5 thì 15.5 học sinh đã thi xong. Thời gian sau đó là hoàn thiện hồ sơ, hoàn thiện điểm, học sinh lên lớp với tâm trạng đã thi xong rồi nên hiệu quả học tập không cao, học theo kiểu đối phó. Vì thế, ta có thể tận dụng 2 tuần này để bù vào thời gian đã nghỉ cho hợp lý, như vậy chỉ cần học thêm 2 tuần nữa là đủ thời gian đã nghỉ chứ không cần đến 4 tuần” - bà Phạm Thái Lê nói.

Trước câu hỏi việc cắt giảm, lược bớt chương trình liệu có gây phản ứng trái chiều, bà Lê bày tỏ: “Tất nhiên một điều gì khác thường sẽ có những phản ứng trái chiều, có người ủng hộ, có người không ủng hộ. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng đây là bài toán tối ưu nhất trong lúc này. Cái nào được nhiều thì nên quyết định”, bà Lê nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn