MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên hợp đồng thấp thỏm sợ truy thu tiền đứng lớp

HỮU LONG LDO | 07/07/2018 07:46

Chủ trương hỗ trợ tiền phụ cấp đứng lớp cho giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Ana (Đắk Lắk) được đánh giá là nhân văn nhằm đảm bảo quyền lợi và giúp thầy cô an tâm công tác. Sau thời gian thực hiện, hiện huyện Krông Ana rà soát để đánh giá lại chủ trương chi trả phụ cấp đứng lớp có đúng với quy định hay không khiến nhiều giáo viên lo lắng...

Giáo viên thấp thỏm

Theo phản ánh của một số giáo viên trên địa bàn huyện Krông Ana, từ 5-7 năm nay, từ thực tế giáo viên “hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế” ở huyện có mức lương thấp nên địa phương này có chính sách trả phụ cấp đứng lớp với 2 mức là 35% lương cơ bản và 50% lương cơ bản tùy theo cấp dạy. Chủ trương của huyện ra đời được đông đảo thầy cô ủng hộ bởi qua việc có thêm tiền phụ cấp, các thầy cô sẽ có thêm một khoản thu nhập cùng với đồng lương ít ỏi.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Tuyết (xin đề nghị giấu tên - PV), giáo viên thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) - tiết lộ: Nhà trường nơi cô làm việc có thông báo, từ tháng 7.2018, trường sẽ không chi trả phụ cấp đứng lớp nữa và truy thu của cô khoảng 25 triệu đồng đã nhận.

Chưa rõ truy thu hay không!

Hiện huyện Krông Ana đang giao cho các trường trên địa bàn tiến hành rà soát lại việc chi trả phụ cấp đứng lớp cho các giáo viên hợp đồng xem việc chi trả đúng hay sai, từ đó đề xuất hướng xử lý cụ thể.

Ông Võ Trung Dũng - Trưởng phòng GDĐT huyện Krông Ana - cho biết thêm, việc này là có nhưng đến nay huyện vẫn chưa kết luận nên hay không chi trả, truy thu tiền mà giáo viên đã nhận trước đó. “Việc huyện kiểm tra, rà soát là cần thiết, tuy nhiên, nếu phải truy thu thì theo quan điểm cá nhân của tôi chỉ nên thu trong năm 2018. Vì thực tế, lương giáo viên thấp, nếu truy thu sẽ gây khó khăn về tài chính khiến họ không yên tâm công tác” - ông Dũng nêu quan điểm.

Còn theo ông Nguyễn Dương Hường - Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện Krông Ana, chủ trương rà soát việc chi trả tiền phụ cấp đứng lớp của các giáo viên là để chuẩn bị cho đề án vị trí việc làm trong ngành giáo dục của huyện đang được cấp trên thẩm định.

Được biết, huyện Krông Ana hiện có 33 trường học với tổng lao động khoảng 1.500 người, trong đó có 1.193 biên chế và 321 giáo viên, nhân viên hợp đồng (261 hợp đồng với huyện, 60 hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP). Trong lúc các giáo viên đang lo lắng vì sợ bị truy thu tiền đứng lớp thì nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Ana cũng lo sợ sẽ bị mất việc đồng loạt như các giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk trước đó. 

Giáo viên hợp đồng có thể khởi kiện chủ tịch huyện

Theo quy định của pháp luật không có loại hợp đồng lao động đến thời hạn “đến ngày thi tuyển” hoặc “hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế” như hợp đồng mà UBND huyện Krông Ana, huyện Krông Pắk đã ký đối với các giáo viên mà phải quy định cụ thể về thời hạn. Đối với các hợp đồng đã ký giữa UBND huyện Krông Ana, Krông Pắk và các giáo viên thực hiện sai các quy định của pháp luật đồng nghĩa với việc người ký phải có trách nhiệm chính. Trong trường hợp này, người ký hợp đồng có thể bị người lao động khởi kiện theo quy định của pháp luật. H.L

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn