MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên mong muốn được Bộ GDĐT giảm tải về hồ sơ, sổ sách để có nhiều thời gian tập trung cho công tác chuyên môn. Ảnh: Hải Nguyễn

Giáo viên lại “kêu khổ” vì mẫu giáo án mới của Bộ GDĐT

QUANG ĐẠI LDO | 28/01/2021 16:23
Bộ GDĐT ban hành công văn 5512 quy định mẫu giáo án mới, với nhiều quy định chi tiết làm giáo viên mệt mỏi, áp lực.

Ngày 18.12.2020, Bộ GDĐT ban hành Công văn 5512 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong phần Phụ lục IV “Khung kế hoạch bài dạy” đưa ra mẫu giáo án mới.

Thầy Nguyễn Văn Trung – giáo viên THPT tại Hà Tĩnh, cho biết: Theo Công văn 5512, mỗi bài học được hướng dẫn triển khai 4 hoạt động: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu; Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ; Luyện tập; Vận dụng.

Mỗi hoạt động như vậy lại phải chi tiết hóa thành các bước: “Mục tiêu - Nội dung - Sản phẩm -Tổ chức thực hiện”.

Theo thầy Trung, khi triển khai áp dụng mẫu giáo án mới theo Công văn 5512, mỗi tiết cũng từ 5-6 trang, đối với các môn chính phải soạn bài rất vất vả.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên phản ánh, việc chi tiết hóa mỗi giờ dạy thành 4 hoạt động, mỗi hoạt động lại “đẻ” ra 4 bước, cũng mang tính hình thức, không phù hợp thực tế.

Cụ thể, trường hợp giáo viên Thể dục dạy bài “Nhảy cao”, không rõ dạy học sinh vận dụng nội dung gì? Giáo viên môn Ngữ văn dạy bài “Nam quốc sơn hà” hay bài ca dao về quê hương đất nước, để vận dụng cụ thể vào đời sống là rất khó.

Thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng việc quy định mẫu giáo án theo Công văn 5512 của Bộ GDĐT là không phù hợp thực tế, làm giáo viên áp lực, mệt mỏi. “Quy định như vậy là “đồng phục” giáo án, hạn chế, trói buộc sự chủ động, sáng tạo của giáo viên, rơi vào chủ nghĩa hình thức, hành chính hóa” - thầy Hiếu thẳng thắn nói.

Theo thầy Trần Trung Hiếu, việc ban hành mẫu giáo án là thể hiện tư duy quản lý không phù hợp. “Không thể có một giáo án cho nhiều lớp, hàng trăm học sinh. Mỗi đối tượng, tình huống, nhà giáo sẽ có sự linh hoạt, sáng tạo. Nhà quản lý chỉ cần quan tâm chất lượng, chuẩn đầu ra, sản phẩm của giáo dục là con người chứ không phải là quyển giáo án trong cặp của giáo viên”- thầy Hiếu nêu quan điểm.

Một diễn biến khác, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản rao bán giáo án. Nhiều giáo viên đã mua về, ghi tên mình vào xong là đã có bộ giáo án đúng mẫu. Sau đó nhiều người chia sẻ cho nhau, mục đích là để đối phó.

Phóng viên đã nhắn tin vào một tài khoản trên mạng xã hội, được biết 1 bộ giáo án môn Lịch sử giá 150.000 đồng.

Trước đó, Bộ GDĐT quy định giáo viên phải nhận xét về kết quả học tập, sự tiến bộ của từng học sinh làm giáo viên rất mệt mỏi, nhiều người tìm cách cách đối phó bằng phần mềm nhận xét tự động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn