MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên mầm non tiếc nuối nếu phụ cấp thâm niên không còn. Ảnh minh họa: Phong Linh

Giáo viên mầm non lo lắng khi phụ cấp thâm niên có thể bị bãi bỏ

MỸ LY LDO | 21/10/2023 18:36

Nếu thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm 2024 thì phụ cấp thâm niên là một trong những khoản phụ cấp của giáo viên có thể bị bãi bỏ. Điều này khiến không ít giáo viên mầm non lâu năm lo lắng. Bởi phụ cấp thâm niên là một trong những động lực giúp họ gắn bó với cái nghề nhiều áp lực này.

Sự tiếc nuối

Nhiều năm gắn bó và tận tâm cống hiến cho nghề giáo, cô C.T.M.T (giáo viên tại một trường mầm non ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết, mỗi ngày, cô bận rộn từ sáng sớm đến chiều tối, chưa kể phải chống đỡ nhiều áp lực từ trong ngành đến ngoài ngành. Ấy vậy mà đồng lương làm ra lại không đủ trang trải. Với thâm niên 15 năm, lương cộng với phụ cấp hàng tháng sẽ không đủ trang trải cuộc sống gia đình cũng như lo cho 2 con ăn học nếu không có thêm đầu lương của chồng.

Cho nên, khi nghĩ đến phụ cấp thâm niên của giáo viên có thể bị bãi bỏ nếu cải cách tiền lương, cô M.T không khỏi tiếc nuối. Bởi với cô, phụ cấp tuy không quá nhiều nhưng ít ra vẫn đỡ đần cho cô trong cuộc sống.

“Lương của giáo viên cơ bản đã không đủ sống, may nhờ có những khoản phụ cấp chống đỡ thêm. Tuy mỗi năm tăng lên không nhiều nhưng tôi cũng có thêm một khoản để lo lắng cho gia đình. Nó như niềm động viên chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghề. Cho nên, nếu bị bãi bỏ, những giáo viên lâu năm như tôi đều thấy tiếc nuối”, cô M.T tâm sự.

Bắt đầu dạy học từ năm 2008, cô T.T.P.T (giáo viên tại một trường mầm non ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết, nếu phụ cấp thâm niên không còn, có thể sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên.

“Tùy từng chức vụ và thâm niên công tác sẽ bị ảnh hưởng khác nhau, ít thì vài trăm nghìn đồng, nhiều có thể lên đến vài triệu đồng. Điều này khiến nhiều giáo viên mầm non, nhất là những người gắn bó lâu năm cảm thấy chạnh lòng nếu phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ”, cô P.T nói.

Với cô P.T, có phụ cấp thâm niên thì những người làm lâu năm như cô cảm thấy an ủi hơn. Bởi trong khi thời gian và công sức của giáo viên mầm non bỏ ra rất nhiều nhưng đồng lương lại khó đáp ứng được cuộc sống.

Trông chờ vào những chính sách mới

Công việc bận rộn, áp lực lớn nhưng đồng lương không đủ trang trải khiến nhiều giáo viên không thể tiếp tục gắn bó với nghề. Cô M.T cho biết, ở huyện của cô, không ít giáo viên không đợi được đến tuổi nghỉ hưu đã chọn nghỉ việc cũng vì lý do đó. Cho nên, khi nghe tin giáo viên mầm non được xem xét đưa vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, cô M.T rất ủng hộ và mong chờ.

“Nếu công nhân chịu áp lực về sản lượng hay tiếp xúc với hóa chất độc hại thì các giáo viên mầm non chúng tôi cũng có những áp lực riêng trong môi trường làm việc đặc thù. Vì vậy, theo tôi, xếp giáo viên mầm non vào nhóm ngành nặng nhọc, độc hại là hợp lý. Khi đó, sẽ có thêm phụ cấp, đồng lương được cải thiện, chúng tôi cũng thấy an ủi hơn”, cô M.T nói.

Theo cô M.T, đặc thù của giáo viên mầm non không chỉ dạy học cho trẻ mà phải chăm sóc đến từng miếng ăn, giấc ngủ, chưa kể còn phải tiếp xúc và làm vệ sinh cho trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh ngày nay cũng yêu cầu rất cao, nếu trẻ phát triển không tốt hay có thương tổn gì thì giáo viên sẽ là người phải chịu trách nhiệm.

Tương tự, cô P.T cũng đồng tình với việc cho giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Bởi với cô P.T, dù mỗi ngày vẫn không ngừng nỗ lực nhưng cô cho biết sức khỏe của mình giờ đã không thể bằng lúc mới vào nghề.

“Công việc của giáo viên mầm non đòi hỏi phải có tình yêu thương trẻ nhỏ và một sức khỏe tốt. Bởi so với các cấp học khác, các cháu mầm non ở giai đoạn bắt đầu, mọi thứ đều phải có giáo viên kề bên. Do đó, công sức và thời gian phải bỏ ra là rất nhiều. Cho nên, ngành này vẫn có những yếu tố nặng nhọc đặc thù của nó”, cô P.T chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn