MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các giáo viên mầm non đang phải làm việc trong môi trường áp lực từ nhiều phía. Ảnh: Kiều Hạnh

Giáo viên mầm non: Nghề nặng nhọc về tinh thần lẫn thể chất

THUỲ TRANG LDO | 18/06/2020 18:00

Cô giáo mầm non 50 tuổi vẫn phải nhảy múa bài ca thiếu nhi, vẫn phải chăm dỗ 30 đến 40 trẻ mỗi ngày là một điều không hề đơn giản. Chưa kể, áp lực từ phụ huynh khi mỗi đứa trẻ bây giờ là “con vàng con bạc” nên tất cả giáo viên mầm non đều cảm thấy căng thẳng mỗi giờ tan lớp. Họ lo sợ phụ huynh mắng vốn, truy hỏi khi thấy dù chỉ một vết xước trên tay con.

Vừa làm mẹ, làm cô, vừa chăm sóc y tế

Cô giáo Nguyễn Thị T., một giáo viên mầm non tại Đà Nẵng, đã gật đầu đồng ý ngay khi nghe thông tin về việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có đề xuất giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, cần được nghỉ hưu sớm.

“Vì giáo viên mầm non quá cực nhọc. Chúng tôi vừa chăm sóc, vừa giáo dục cho trẻ. Nếu giáo viên các cấp dạy theo môn, có giáo viên chuyên trách về nhạc, hoạ, thể dục thì các cô mầm non lại kiêm nhiêm tất cả. Họ vừa làm mẹ, làm cô, vừa chăm sóc y tế. Cháu đau, sốt thế nào thì trong lớp cô là người chăm sóc, xử lý ban đầu” – cô T. tâm sự.

Vậy nhưng từ 50 tuổi trở đi, sức khoẻ của các cô không được đảm bảo cho các hoạt động dạy học chứ đừng nói là kiêm nhiệm tất cả.

Như môn thể dục, nhiều cô không thể nhảy múa làm mẫu cho trẻ hoặc môn âm nhạc, kể truyện, giọng của các cô không thể truyền cảm như các cô giáo trẻ được.

Về chăm sóc, ở các lớp lớn, các cô không thể theo kịp hoàn toàn với cường độ học và sự hiếu động của các con. Ở lứa tuổi nhà trẻ, các cháu đi học thường khóc nhiều nên cần sự chăm sóc của các cô, nhưng mỗi lớp có từ 30 đến 40 cháu thì sẽ có lúc cô không thể bao quát hết mọi việc.

Phụ huynh gọi là tim đập, chân run

Một vấn đề khác mà bất kể giáo viên mầm non nào cũng gặp phải là áp lực từ phía phụ huynh. “Áp lực đó khiến chúng tôi luôn lo lắng, thậm chí là sợ hãi” – cô T. kể.

Nhiều gia đình hiện nay chỉ có 1 đến 2 con nên cha mẹ nảy sinh tâm lý coi trọng con cái. Họ thậm chí chỉ tin lời con chứ không nghe giáo viên giải thích.

“Trong khi đó, mỗi ngày đi học về, thay vì hỏi con ở trường có vui không, có học được gì nhiều không và chia sẻ niềm vui thì bố mẹ đều hỏi hôm nay cô có đánh con không, có đút con ăn không. Thậm chí có phụ huynh khi đưa con về nhà thì việc đầu tiên không phải là ôm ấp hay âu yếm con mà là vén quần áo con lên để xem cô giáo có đánh con không.

Nhiều đồng nghiệp của tôi tâm sự, từ giờ tan lớp đến khi về nhà mà cứ nghe tiếng chuông điện thoại là tim đập, chân run. Họ sợ phụ huynh gọi mắng vốn, có khi là chửi bới. Các cô càng lớn tuổi thì họ càng sợ những điều đó” – cô T. chia sẻ.

Chưa kể, đó là trường gắn camera và cho phép phụ huynh giám sát. Mỗi đứa trẻ có đến 6 người giám sát, đó là cha mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại, mọi nhất cử nhất động của cô đều bị soi sét. Trong khi đó cô giáo không thể lúc nào cũng là thiên thần.

Làm việc trong môi trường như vậy khiến các cô giáo mầm non hay gặp các bệnh về thần kinh như rối loạn tiền đình hay đau dạ dày, khản giọng…

Với nhiều người, nhắc đến cụm từ “nghề nặng nhọc” thì họ sẽ nghĩ ngay đến những việc làm tay chân, ở môi trường hoá chất nguy hiểm... Thế nhưng giáo viên mầm non cũng đang làm việc trong một môi trường mà cả xã hội yêu cầu họ phải yêu trẻ như con cái và phụ huynh lại mong con mình luôn là đứa trẻ được yêu nhất. Tất cả tạo nên một áp lực vô cùng lớn cho những “mẹ hiền” ở trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn