MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi Hà Nội chưa thực hiện Chỉ thị 16, cô giáo Linh phải dọn nhà, phụ vữa để kiếm thêm thu nhập chống chọi qua mùa dịch COVID-19. Ảnh: NVCC.

Giáo viên mầm non sắp bỏ nghề, xin làm giúp việc chống chọi dịch COVID-19

LƯƠNG HẠNH LDO | 26/07/2021 22:03
Nhận được cuộc điện thoại của PV hỏi về cuộc sống thời dịch COVID-19, các giáo viên mầm non tư thục như trải được hết nỗi niềm bao ngày tháng qua. Bởi họ không bao giờ nghĩ, nghề dạy trẻ mầm non lại rơi vào bế tắc, cùng quẫn đến vậy.

Cô Ngô Thị Linh (SN 1983) trú tại phường Thanh Liệt, quận Thanh Trì, TP. Hà Nội đã làm giáo viên mầm non tư thục suốt hơn 10 năm. Với vị trí quản lý kiêm giáo viên đứng lớp, thu nhập của cô Linh khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng.

Chồng cô làm lái xe, hai vợ chồng tích cóp cũng kiếm được hơn 10 triệu đồng/tháng. Nếu để ăn uống, chi tiêu số tiền trên cũng đủ để sinh hoạt cho cả gia đình. Vợ chồng cô có hai con, một người vừa thi qua kỳ thi THPT quốc gia 2021 còn một người mới học lớp 4. Cuộc sống không khá giả nhưng vẫn gọi là ổn định.

Tuy nhiên, tính từ tháng 1.2021, trường mầm non cô Linh làm việc đã buộc phải cho giáo viên nghỉ việc 4 tháng, cô Linh không có bất kỳ một khoản thu nhập nào. Cuộc sống rơi vào khó khăn, cô thử bán hàng online tại nhà để có đồng ra đồng vào, nhưng không đâu vào đâu.

“Đợt dịch năm ngoái tôi đã bắt đầu bán hàng online. Khách hàng chủ yếu là người quen, họ mua để ủng hộ và giúp đỡ giáo viên mầm non. Nhưng đến năm nay, ai cũng khó khăn cả, mọi người muốn giúp đỡ hay ủng hộ cũng không giúp được. Vì vậy mà tôi chỉ bán hàng được một thời gian rồi nghỉ đi xin việc khác”, cô Linh tâm sự.

Sau đó, cô Linh tiếp tục đi xin làm giáo viên mầm non tại nhà, gọi là giáo viên nhưng thực chất là đi giúp việc theo giờ. Cô chia sẻ: “Phụ huynh mời tôi đến làm giáo viên cho con họ. Phụ huynh đi làm, họ check camera ở nhà lại chỉ thấy ngồi chơi với con họ thì tôi không đành. Vậy là từ lau nhà, quét nhà, cọ bồn cầu… cũng phải làm để đỡ ngại với phụ huynh”.

Cuộc sống mưu sinh đã khiến cô Linh phải gạt bỏ lòng tự ái, sự chỉn chu, chuẩn mực của một cô giáo. Vất vả từ 7h sáng đến 7h tối, cô Linh có được 200.000 đồng/ngày làm việc. Thế nhưng, dịch COVID-19 bùng phát mạnh hơn, các gia đình không muốn thuê người về nhà vì có thể tự chăm sóc con cái. Cô Linh lại một lần nữa mất việc.

Chưa bao giờ, cô Linh nghĩ đến chuyện phải bỏ nghề, tìm một công việc khác để duy trì cuộc sống qua cơn bão đại dịch COVID-19. Nếu tiếp tục trong tình cảnh thất nghiệp thế này, có lẽ cô sẽ phải từ bỏ tình yêu với nghề.

Cùng hoàn cảnh, cô Nguyễn Thị Kim Ngân (SN 1998) trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai ra trường, đi làm được 2 năm nay đã liên tục phải nghỉ việc. Tuy nhiên, cô Ngân không được may mắn như cô Linh, cô Ngân không có việc làm thêm để có thu nhập. Ban đầu, cô cũng học các cô giáo khác bán các mặt hàng gia dụng trên mạng xã hội. Nhưng không có “duyên” bán hàng, cô đành bỏ cuộc.

Chồng cô Ngân làm cho một nhà hàng gần nhà. Mỗi lần Hà Nội yêu cầu thực hiện các Chỉ thị phòng, chống dịch COVID-19, nhà hàng chồng cô làm việc phải đóng cửa, anh lại rơi tình trạng thất nghiệp.

Chủ các trường mầm non tư thục phải chi trả rất nhiều khoản như tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước… Lo cho cuộc sống cá nhân còn không xong, các giáo viên mầm non tư thục đã không thể san sẻ gánh nặng với chủ trường. Vì vậy, cô Ngân không muốn đòi hỏi hay mong được nhà trường hỗ trợ.

Bao nhiêu tiền bạc tích lũy trước đó lo lúc ốm đau, vợ chồng cô Ngân phải mang ra để chi trả cho cuộc sống. Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất hiện tại, cô Ngân bày tỏ: “Tôi chỉ mong dịch COVID-19 sớm qua nhanh để tôi có thể quay lại với nghề. Tôi cũng mong rằng có những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đối với các giáo viên mầm non tư thục như chúng tôi”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn