MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên mầm non trông chờ vào quỹ tiền thưởng nếu phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ. Ảnh minh họa: Phong Linh

Giáo viên mầm non trông chờ vào tiền thưởng nếu bãi bỏ phụ cấp thâm niên

MỸ LY LDO | 25/10/2023 06:53

Nếu thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm 2024, phụ cấp thâm niên là một trong những khoản phụ cấp của giáo viên có thể bị bãi bỏ. Tuy nhiên, bù lại sẽ bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Trước thông tin này, một số giáo viên mầm non bày tỏ sự trông chờ vào khoản tiền thưởng sắp tới.

Trông chờ vào quỹ tiền thưởng

Dù bày tỏ sự tiếc nuối trước thông tin phụ cấp thâm niên có thể bị bãi bỏ nhưng cô Tiên - một giáo viên mầm non ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ - cảm thấy an ủi nếu được bổ sung tiền thưởng.

“Nếu phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ, tôi tiếc lắm. Bởi đó là động lực để tôi gắn bó với nghề suốt 15 năm nay. Tuy nhiên, nếu bãi bỏ, chúng tôi vẫn có khoản tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, điều đó khiến chúng tôi càng mong chờ”, cô Tiên nói.

Cô giáo mong muốn nếu cải cách, khoản tiền thưởng nên bằng hoặc cao hơn khoản phụ cấp bị mất đi: “Nghề của chúng tôi vừa cực vừa chịu nhiều áp lực nhưng đồng lương lại không đủ trang trải. Cho nên, tôi mong quỹ tiền thưởng sẽ xứng đáng với những công sức mà bản thân đã cống hiến cho nghề”.

Cũng công tác được gần 15 năm, cô Tâm - giáo viên mầm non ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ - trông đợi khoản tiền thưởng bổ sung có thể bù đắp cho phụ cấp thâm niên không còn: “Một khi phụ cấp thâm niên bị cắt, chắc chắn thu nhập của tôi sẽ bị ảnh hưởng. Việc bổ sung của tiền thưởng là điều tôi trông đợi hơn bao giờ hết. Nó sẽ bù lại khoản phụ cấp bị cắt; nếu nhiều hơn, tôi có thể thêm được một khoản thu nhập, an ủi cho những vất vả trong những năm gắn bó với nghề”.

Từ lúc tốt nghiệp, cô Tú - giáo viên mầm non ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ - đã vào trường dạy. Đến nay, với thâm niên 10 năm công tác, trải qua những nhọc nhằn của nghề, cô Tú mong đợt cải cách lần này sẽ đáp ứng được mức sống hiện tại, bù đắp cho những khoản trượt giá đang gánh chịu.

“Đợt tăng lương cơ sở vừa rồi, lương tôi có tăng lên một chút, song lương vừa lên thì giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng lần lượt tăng theo. Thế là mong muốn sống bằng lương lại đâu vào đấy, vẫn phải 1 bên đi dạy 1 bên buôn bán thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống”, cô Tú tâm sự.

Còn băn khoăn và trăn trở

Với sự bổ sung của khoản tiền thưởng, cô Tú tự nhủ sẽ cố gắng phấn đấu, tích cực tham gia các hoạt động phong trào, thi đua để đạt được mức lương cao trong thời gian tới.

“Nếu tính theo quỹ tiền thưởng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, vậy lương tôi tăng thì tiền thưởng có thể sẽ tăng theo. Nên thời gian tới, tôi chắc chắn phải phấn đấu để đạt mức lương cao hơn. Như vậy, tôi có thể được mức thưởng cao, không cần phải bán hàng online, có thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học”, cô Tú chia sẻ.

Càng muốn phấn đấu để đạt được tiền thưởng cao, cô Tâm càng băn khoăn về sức khỏe của bản thân: “Tôi cũng muốn tham gia nhiều phong trào, phấn đấu để tiền lương và tiền thưởng cao. Tuy nhiên, lớn tuổi, việc tham gia các phong trào thi đua cũng có phần hơi quá sức. Đặc biệt là so với lớp trẻ, sự năng động và sôi nổi của chúng tôi có thể sẽ không bì kịp do tuổi tác ảnh hưởng”.

Cô Tâm cũng nghĩ việc thêm tiền thưởng và bãi bỏ phụ cấp thâm niên nếu cải cách tiền lương vừa là động lực vừa là áp lực với giáo viên mầm non, nhất là những người lớn tuổi. Bởi với cô, tiền thưởng dựa trên quỹ lương sẽ động viên, khuyến khích những giáo viên có thể phấn đấu hơn nữa trong công việc cũng như tham gia các hoạt động phong trào, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Tuy nhiên, để đạt được những điều đó, giáo viên phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức.

“Công việc của giáo viên mầm non vốn đã bận rộn từ sớm đến tối, trong khi tham gia phong trào phải chuẩn bị nhiều thứ. Chẳng hạn như giáo viên dạy giỏi phải tốn nhiều thời gian lẫn công sức để đầu tư cho tiết dạy, trang trí lớp, rèn bé…Tuổi tác tôi chưa quá lớn còn thấy áp lực, huống chi là những giáo viên lớn tuổi hơn”, cô Tâm bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn