MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên dạy học các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số, các xã miền núi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi riêng. Ảnh: Khánh Linh

Giáo viên miền núi được hưởng những chế độ, ưu đãi nào?

Khánh Linh (T/H) LDO | 16/06/2024 16:50

Giáo viên dạy học các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số, các xã miền núi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi riêng. Đây cũng là động lực để nhiều thầy cô có thể cắm bản, "cõng chữ lên non" dạy cho học trò.

Bạn đọc Bùi Ngọc Mai (Sơn La) hỏi: "Tôi chuẩn bị lên nhận công tác tại một huyện miền núi thuộc địa bàn tỉnh Sơn La, cho hỏi các chế độ giáo viên dạy khu vực miền núi được hưởng là như thế nào?".

Căn cứ Nghị định 76/2019/NĐ-CP, giáo viên dạy học các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số, các xã miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi riêng.

1. Phụ cấp thu hút

Theo Điều 4 Nghị định 76 giáo viên dạy học ở miền núi thuộc vùng đặc biệt khó khăn sẽ hưởng phụ cấp thu hút.

Trong đó, phụ cấp thu hút được tính bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 5 năm (60 tháng).

2. Phụ cấp ưu đãi theo nghề

Điều 11 Nghị định 76 quy định, phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này.

3. Phụ cấp lưu động

Ở một số khu vực miền núi, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số có điều kiện khó khăn. Giáo viên đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tại các khu vực miền núi sẽ được hưởng phụ cấp lưu động.

Theo Điều 12 Nghị định 76, nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục đang làm chuyên trách về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương cơ sở.

4. Phụ cấp công tác lâu năm

Căn cứ Điều 5 Nghị định 76, giáo viên công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:

Mức 0,5 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;

Mức 0,7 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;

Mức 1,0 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.

Như vậy, tùy thuộc vào thời gian công tác, giáo viên làm việc tại các khu vực miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể được mức phụ cấp công tác lâu năm đến một tháng lương cơ sở.

5. Trợ cấp lần đầu khi nhận công tác

Trợ cấp này được quy định tại Điều 6 Nghị định 76 năm 2019.

Theo đó, giáo viên khi nhận công tác lần đầu ở các trường miền núi thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp như sau:

Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trường hợp có gia đình cùng đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp:

Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi; Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.

6. Trợ cấp một lần khi chuyển công tác hoặc khi nghỉ hưu

Căn cứ Điều 8 Nghị định 76, giáo viên dạy học ở khu vực miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên sẽ được trợ cấp một lần khi chuyển công tác hoặc khi nghỉ hưu.

7. Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ

Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Điều 10 Nghị định 76 năm 2019 như sau:

Trường hợp được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm thì được hỗ trợ tiền mua tài liệu học tập và hỗ trợ 100% tiền học phí, chi phí đi lại từ nơi làm việc đến nơi học tập;

Trường hợp công tác tại vùng dân tộc ít người tự học tiếng dân tộc để phục vụ nhiệm vụ được giao thì được hỗ trợ tiền mua tài liệu và tiền bồi dưỡng cho việc tự học tiếng dân tộc ít người bằng số tiền hỗ trợ cho việc học tập ở các trường, lớp chính quy.

8. Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho lương giáo viên vùng khó khăn

Mức hưởng phụ cấp = 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Áp dụng đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số.

9. Trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch cho lương giáo viên vùng khó khăn

Trợ cấp này áp dụng đối với đối với giáo viên, giảng viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu nước ngọt và sạch theo mùa.

Trong đó, vùng thiếu nước ngọt và sạch theo mùa là vùng do điều kiện tự nhiên không có nước ngọt và sạch hoặc có nhưng không đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt từ 1 tháng liên tục trở lên trong năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn