MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với lương hưu hàng tháng, bà Thanh không phải phụ thuộc vào con cái. Ảnh: Phương Trang

Giáo viên nghỉ hưu: Chi tiêu tiết kiệm, không muốn phụ thuộc vào con

Phương Trang LDO | 04/04/2023 07:31
Nhiều giáo viên khi về hưu phải tính toán các khoản chi hợp lý để có thể sống chủ động với lương hưu của mình, không phải nhờ đến con. 

Bà Lê Thị Thanh (72 tuổi, sống tại phường Trường Thi, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá) từng là giáo viên tiểu học ở huyện Hậu Lộc.  

Năm 2005, bà Thanh về hưu. Mức lương hưu của bà là hơn 4 triệu đồng/tháng; còn chồng bà Thanh lương hưu một tháng được 3 triệu đồng. Theo bà Thanh, đây là số tiền không cao nhưng đảm bảo được cuộc sống về già cho hai vợ chồng. 

“Lương hưu của tôi không cao, song đó là nguồn thu nhập chính của tôi hiện nay. Cộng với lương hưu của chồng, chúng tôi có thể tự chủ trong cuộc sống và không phải nhờ vả con cái, nhất là khi ốm đau” - bà Thanh cho biết.

Hai vợ chồng bà Thanh trước khi về hưu có tích góp được một số tiền nhỏ để sửa sang lại nhà cửa. Đây cũng là nguyện vọng ấp ủ nhiều năm của hai vợ chồng. Mỗi tháng, tiền sinh hoạt phí, tiền điện nước của hai vợ chồng bà Thanh hết khoảng 5 triệu đồng. 

Nhà có hai vợ chồng già nên ăn uống đơn giản. Bà Thanh ăn uống tiết kiệm nên tiền lương hưu vẫn đủ để trang trải cuộc sống. Mỗi bữa bà Thanh mua 70.000 đồng - 80.000 đồng tiền thức ăn là đủ cho hai vợ chồng.

Hai người con của bà Thanh đều có công việc ổn định. “Các con của tôi đều ngỏ ý muốn chu cấp tiền hàng tháng cho bố mẹ nhưng tôi đều từ chối. Bởi hai vợ chồng đều có lương hưu, không muốn phụ thuộc vào con” - bà Thanh trải lòng.

Nếu tháng nào không có đám xá thì vợ chồng bà có thể tiết kiệm được từ 2-3 triệu đồng. Số tiền này bù vào những tháng có nhiều việc cần chi tiêu hơn. 

Sức khoẻ của hai vợ chồng bà Thanh đều không tốt. Bà bị viêm màng bồ đào bên mắt trái, 3 tháng phải ra Hà Nội để khám một lần. 

“Mỗi lần đi ra Hà Nội khám bệnh đều mất gần 2 triệu đồng tiền thuốc. Còn chồng tôi bị huyết áp cao. Hai vợ chồng tháng nào cũng tốn ít nhất 2 triệu tiền thuốc” - bà Thanh tâm sự.

Bà Thanh cho biết thêm, đi khám bệnh bà đều đặt lịch khám theo yêu cầu, vì thế bà không được hưởng bảo hiểm y tế. 

“Tôi cảm thấy bản thân may mắn khi con cái quan tâm, chăm sóc. Mỗi lần tôi hoặc chồng đi viện các con đều tới chăm sóc, đỡ đần tiền viện phí” - bà Thanh chia sẻ.

Bà Lê Thị Ngọc (61 tuổi, sống tại phường Nam Ngạn, Thanh Hoá) cũng là giáo viên nghỉ hưu hơn 6 năm nay, với mức lương hưu 6 triệu đồng/tháng.

Chồng bà Ngọc làm công việc tự do nên không có lương hưu. Một năm trở lại đây do tuổi cao, sức yếu nên chồng bà đã nghỉ làm. Mọi chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào tiền lương hưu của bà.

Bà Ngọc cho biết, tuỳ vào hoàn cảnh mỗi người sẽ có mức chi tiêu khác nhau. Ảnh: NVCC 

Vì nhiều công việc phải lo toan nên dù mức lương hưu cao hơn mọi người nhưng bà Ngọc không để ra được đồng nào. 

"Tôi phải chi tiêu rất tiết kiệm, không phung phí đồ ăn, ít mua quần áo. May mắn vợ chồng tôi đều khoẻ mạnh, ít bệnh tật nên không tốn tiền thuốc men, khám chữa bệnh” - bà Ngọc tâm sự. 

Có tháng, tiền lương của bà Ngọc không đủ chi trả cho đám hiếu, hỉ. Nhiều lần bà Ngọc phải đi vay mượn họ hàng để có đủ tiền đi đám. 

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề mức lương hưu có đủ sống không, bà Ngọc cho biết, tuỳ vào hoàn cảnh mỗi người sẽ có mức chi tiêu khác nhau; bản thân bà cảm thấy đây là một mức lương phù hợp, vừa đủ. 

“Khi về hưu, tôi có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, chơi với cháu nhiều hơn. Ngày trước khi còn đi làm tôi không có thời gian giúp đỡ các con chăm cháu” - bà Ngọc chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn