MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài liệu bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng II do trường ĐHSP Hà Nội biên soạn. Ảnh: QĐ

Giáo viên phổ thông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ “giấy phép con”

QUANG ĐẠI LDO | 03/03/2021 13:30
Hết đi học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giáo viên phổ thông hiện nay lại nháo nhào, đua nhau đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp làm họ hết sức mệt mỏi, mất thời gian, tốn kém.

Cô Lê Thanh Bình - giáo viên THPT tại Hà Tĩnh - phản ánh: “Giáo viên chúng tôi hết sức vất vả. Mới đăng ký học chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ hết 5 triệu đồng, nay lại phải đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, hết 2,5 triệu đồng”.

Các chuyên đề trong tài liệu bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng II. Ảnh: QĐ

Cô Bình cũng cho biết, thực chất học xong, đã được cấp chứng chỉ Ngoại ngữ, nhưng cô không hề học thêm được kiến thức, kĩ năng gì. “Chẳng qua đăng ký, nộp tiền, tham gia chiếu lệ rồi lấy chứng chỉ để hợp thức hóa hồ sơ. Tất cả người trong cuộc đều biết rõ điều này” - cô Bình chia sẻ.

Hiện nay, theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, giáo viên nếu muốn thăng hạng thì mới cần học để có chứng chỉ đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu.

Chính quy định nói trên đã “mở đường” cho các lớp đào tạo cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên để được “thăng hạng”. Học phí được thông báo là 2,5 triệu đồng/khóa, học vào ngày thứ 7, chủ nhật.

Là người đã học và được cấp chứng chỉ, thầy Nguyễn Văn Trung - giáo viên ở Hà Tĩnh - thông tin, chương trình đào tạo cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II do trường Đại học Sư phạm Hà Nội biên soạn được giảng dạy tại Hà Tĩnh gồm 10 chuyên đề.

“Các chuyên đề này bao gồm các vấn đề như lý luận về nhà nước và hành chính nhà nước, quản lý nhà nước về giáo dục, tư vấn tâm lý học sinh, xây dựng mối quan hệ gia đình-nhà trường-xã hội.... Tất cả vấn đề này đều chung chung, chúng tôi đều đã học, đã tìm hiểu, nghiên cứu tùy theo chức năng, nhiệm vụ. Tóm lại là những kiến thức không cần thiết” - thầy Trung thẳng thắn.

Một giáo viên tại Đà Nẵng chia sẻ với phóng viên Lao Động, lớp đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tổ chức lộn xộn, người dạy qua loa, người học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, thi cử chiếu lệ, ai cũng mong cho hết giờ, xong lớp học để có chứng chỉ.

“Nếu tính con số hàng trăm nghìn giáo viên, nhân với con số 2,5 triệu/chứng chỉ, cộng với thời gian học trong vòng 2 tháng (thứ 7 và Chủ nhật), thì sự lãng phí cho việc học, cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trên phạm vi toàn quốc là vô cùng lớn. Thực chất đây là loại “giấy phép con” làm khổ giáo viên, cần bãi bỏ” - giáo viên tại Đà Nẵng bức xúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn