MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên vùng cao: Bằng lòng với khoản thưởng Tết vài trăm ngàn đồng

LƯƠNG HẠNH LDO | 29/12/2022 07:00
Còn khoảng gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023, với giáo viên vùng cao, thưởng Tết 500.000 đồng hay 0 đồng, họ cũng bằng lòng vì không thể đòi hỏi. 

Sau khi tốt nghiệp sư phạm, chị Trần Thị Bích Phương xin làm giáo viên hợp đồng tại một trường mầm non trên địa bàn thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai. Đầu năm 2022, chị Phương thi đỗ kỳ thi viên chức và được phân công công tác tại một điểm trường cách xa trung tâm thành phố đến 70km thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Dù mong mỏi khoản thưởng Tết nhưng chị Phương cũng không thể đòi hỏi. Ảnh: Bích Phương. 

“Thời gian di chuyển từ nhà tôi lên trường phải mất đến 5-6 tiếng. Cũng may trường tôi ở gần trung tâm xã nên đường không quá khó đi. Tôi ở trường các ngày trong tuần, đến cuối tuần mới về nhà thăm gia đình”, chị Phương cho hay.

Với hệ số lương là 2,1, nữ giáo viên nhận về mức lương khoảng hơn 9 triệu đồng đã bao gồm các loại phụ cấp. Được biết, chị Phương ở cùng bố mẹ nên không mất tiền thuê trọ. Chị gửi bố mẹ 2 triệu đồng/tháng tiền ăn, số tiền còn lại chị để chi tiêu các khoản khác.

Nhắc đến thưởng Tết Nguyên đán 2023, chị Phương không khỏi mong đợi vì đây là năm đầu tiên chị trở thành viên chức. Nhưng khi nghe chia sẻ của các giáo viên lâu năm, chị đành ngậm ngùi vì không thể đòi hỏi khoản tiền này. 

“Theo các giáo viên làm việc lâu năm ở đây thì nhà trường và công đoàn trường sẽ có quà Tết cho mỗi giáo viên từ 200.000 - 500.000 đồng. Chủ yếu là thầy cô tự động viên nhau còn thưởng Tết thì họ coi như không có", nữ giáo viên tâm sự.

Còn chị Quàng Thị Yến cũng làm giáo viên tại trường tiểu học thuộc một xã nghèo của tỉnh Lai Châu, chưa có năm nào chị được nhận tiền thưởng Tết. Chị xác định bám trụ miền núi gieo con chữ nên vay tiền ngân hàng xây nhà cấp bốn trú mưa nắng. Đồng lương giáo viên không cao, cộng với khoản vay phải trả hằng tháng, chị Yến đã phải chắt bóp chi tiêu tối đa.

Công tác ở trường vùng cao, thương nhiều học sinh thuộc diện nghèo khó, mỗi dịp Tết đến chị Yến lại lên mạng xã hội “xin” bánh kẹo, quần áo của các đơn vị, cá nhân cho các em. Còn bản thân các thầy, cô giáo lại không có gì. 

"Năm hết Tết đến, ai cũng mong có thêm tiền để sắm sửa nhưng giáo viên thì không có. Nếu không yêu nghề giáo và yêu con trẻ, có lẽ nhiều giáo viên vùng cao không thể bám trụ lại với nghề", chị Yến chia sẻ. 

 Vượt qua 60km mỗi ngày, chị Trang mới có thể đến điểm trường mình làm việc. Ảnh: Vũ Trang.

Nhớ lại khoản tiền thưởng Tết năm ngoái, chị Vũ Thị Trang - nữ giáo viên mầm non tỉnh Lào Cai nhận được 500.000 đồng. Không chỉ vậy, gần đến ngày 26 Tết Âm lịch chị mới nhận được tháng lương cuối cùng của năm cũ.

“Tết năm ngoái đến ngày 27 Âm lịch tôi còn chưa sắm được cho con một bộ quần áo mới. Trường tôi dạy ở xã đặc biệt khó khăn của tỉnh nên di chuyển khó khăn. Mức lương thấp, có tháng chậm lương tôi còn phải đi vay để trang trải cuộc sống”, chị Trang bày tỏ.

Ngoài lương, những nữ giáo viên “cõng chữ” lên non không nhận được thêm khoản thu nhập nào. Ảnh: Vũ Trang.

Đa phần học sinh của chị đều là con, em người dân tộc thiểu số, quanh năm vất vả với nương rẫy, nhiều người dân không có điều kiện để cho con đi học. Đã nhiều lần, chị Trang và đồng nghiệp phải đến tận nhà vận động các gia đình cho con đi học.

 Con đường đến trường của các nữ giáo viên vùng cao. Ảnh: Vũ Trang. 

“Khó khăn lớn nhất của các giáo viên vùng cao là phải di chuyển xa, đường khó đi và vận động phụ huynh cho con em đi học, xóa mù chữ. Thưởng Tết sẽ động viên các thầy cô giáo vùng cao tiếp tục bám nghề nhưng chúng tôi cũng không thể đòi hỏi từ phía nhà trường. Được thưởng nhiều thì mừng mà không được thì cũng đành bằng lòng thôi”, chị Trang tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn