MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gìn giữ “lá phổi xanh” cho Tây Nguyên

Phan Tuấn LDO | 11/10/2021 07:00

Vườn Quốc gia Tà Đùng ở huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) có hơn 21.000ha rừng, đất rừng nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Do lực lượng ít nên thời gian qua, đơn vị đã dựa vào người dân bản địa, xây dựng thêm những “cánh tay nối dài” cùng tham gia bảo vệ rừng, gìn giữ “lá phổi xanh” cho Tây Nguyên.

Người dân bản địa cùng cán bộ Vườn Quốc gia Tà Đùng tuần tra bảo vệ "lá phổi xanh" cho Tây Nguyên (ảnh chụp trươc 27.4.2021). Ảnh: Phan Tuấn

Người dân có thêm sinh kế từ rừng

Những năm qua, bên cạnh việc làm rẫy, gia đình ông K’Brế, ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) đã có thêm nguồn thu nhập từ việc nhận giao khoán hơn 20ha rừng từ Vườn Quốc gia Tà Đùng.

Theo ông K’Brế, sau khi nhận khoán, gia đình ông có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Do là người bản địa, sinh ra và lớn lên từ rừng nên công việc này đối với gia đình ông là nhẹ nhàng, đơn giản.

Ông K’Brế cho biết: “Gia đình tôi cùng bà con lối xóm rất vui bởi khi tham gia bảo vệ rừng thì có thêm nguồn thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi năm. Với nguồn lợi này thì cuộc sống của gia đình cũng vì thế mà bớt khó khăn, vất vả hơn”.

Theo Vườn Quốc gia Tà Đùng, trong tổng số gần 16.000ha rừng tham gia chi trả dịch vụ môi trường rừng, đơn vị đã giao khoán hơn 3.000ha cho 153 hộ gia đình cùng đơn vị tham gia bảo vệ.

Người dân nhận khoán cùng cán bộ Vườn Quốc gia Tà Đùng tiến hành trồng rừng (ảnh chụp trươc 27.4.2021). Ảnh: Phan Tuấn

Các hộ được giao khoán chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở gần rừng. Trong đó, người dân chủ yếu tập trung ở xã Đắk Som, Đắk R’măng (huyện Đắk Glong); xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng).

Trung bình mỗi năm một hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng sẽ có thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng tùy từng diện tích cụ thể. Chỉ riêng từ 2018-2020, Vườn Quốc gia Tà Đùng đã chi trả tiền cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng với giá trị hơn 10 tỉ đồng.

Nối dài "cánh tay" bảo vệ rừng

Từ khi Vườn Quốc gia Tà Đùng tiến hành giao khoán rừng cho người dân bản địa thì công tác quản lý bảo vệ rừng đã có sự chuyển biến rõ rệt, đạt nhiều kết quả tích cực.

Sau khi được nhận giao khoán, ông K’Brế cùng hàng chục hộ dân nơi đây đã được Vườn Quốc gia Tà Đùng tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cách thức quản lý, bảo vệ rừng. Được bổ sung thêm những kiến thức mới, ông K’Brế cùng các thành viên trong gia đình đã tích cực phát dọn thực bì trong mùa khô, đi tuần tra, ngăn chặn nạn săn bắt thú rừng…

Người dân và cán bộ Vườn Quốc gia Tà Đùng giải cứu thú rừng (ảnh chụp trước 27.4.2021). Ảnh: Phan Tuấn

Gắn bó với công việc giao khoán bảo vệ rừng đã nhiều năm nay, ông K’Thanh một hộ nhận khoán khác ở xã Đắk Som đã hiểu rõ hơn những giá trị mà rừng xanh mang lại.

“Tôi và tổ nhận khoán thường xuyên cắt cử lực lượng cùng lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia Tà Đùng đi tuần tra bảo vệ rừng. Trong mùa mưa, việc đi lại khó khăn nhưng bà con nhận khoán rất có trách nhiệm, vẫn bám rừng, bám địa canh giữ không để lâm tặc vào phá rừng, đặt bẫy thú”, ông K’Thanh tâm sự.

Chia sẻ về “cánh tay nối dài” trong công tác quản lý bảo vệ rừng, ông Khương Thanh Long, Giám đốc Vườn Quốc gia Tà Đùng cho biết, trung bình mỗi năm, các tổ nhận khoán và lực lượng kiểm lâm đơn vị tổ chức khoảng 1.500 lượt tuần tra, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm quản lý bảo vệ rừng.

Vườn Quốc gia Tà Đùng khen thưởng các cá nhân xuất sắc trong việc giao khoán rừng (chụp trước 27.4.2021). Ảnh: Phan Tuấn

Chỉ riêng từ đầu năm 2021 đến nay, qua tuần tra, đơn vị cùng người dân đã phát hiện thu giữ hơn 1.000 dây bẫy thú các loại, ngăn chặn được tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Hiệu quả giữ rừng không chỉ nằm trên diện tích rừng được giao khoán cho bà con địa phương mà còn lan tỏa ở đến toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Tà Đùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn