MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một ngày lễ truyền thống mà còn là dịp để mỗi người dân Việt Nam hướng về cội nguồn, tri ân công đức của các Vua Hùng. Ảnh: Hải Nguyễn

Giỗ tổ Hùng Vương và dấu mốc 107 năm "khai sinh" ngày Quốc tế

Hoàng Văn Minh LDO | 18/04/2024 15:16

Không nhiều người biết rằng, vua Khải Định chính là người “khai sinh” khi công nhận ngày giỗ tổ Hùng Vương - ngày 10.3 âm lịch là Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ) từ cách đây 107 năm.

Giỗ tổ Hùng Vương được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức công nhận là Quốc lễ từ năm 2007.

Ngày 10.3 âm lịch là một trong 11 ngày nghỉ lễ chính thức hằng năm của người lao động được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 cũng như Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Và sự công nhận chính thức này là một sự tiếp nối lịch sử rất thú vị.

Theo bản ngọc phả viết từ thời Trần, hiện đang được lưu giữ tại đền Hùng thì từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm giỗ Tổ ngày 10.3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.

Tuy nhiên, ngày 10.3 âm lịch chỉ thực sự trở thành Quốc lễ, được công nhận là Quốc lễ thì phải đến năm 1917, dưới triều vua Khải Định của nhà Nguyễn.

Năm đó, từ một bản tấu của Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc trình Bộ Lễ, vua Khải Định đã chuẩn tấu việc định ngày 10.3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ).

Sau cách mạng tháng Tám thành công (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL - CTN ngày 18.2.1946 cho công chức nghỉ ngày 10.3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Còn nhớ trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm 1946 - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng, lúc ấy là Quyền Chủ tịch nước đã dâng lên các vua Hùng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng.

Đồng thời cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Trong lịch sử Việt Nam, theo nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, Khải Định là một trong những vị vua có sự quan tâm cũng như đóng góp nhất định vào việc phát triển và chấn hưng văn hóa dân tộc.

Như việc ông là người đầu tiên định ngày 10.3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế từ cách đây 107 năm. Hay chỉ dụ sau hơn 100 năm vẫn còn tính thời sự, ban hành ngày 24.8.1923, khi cho thành lập bảo tàng đầu tiên trên cả nước mang tên mình ở Huế.

Rằng: “Tinh thần của một dân tộc được thể hiện trên các sản phẩm nghệ thuật, nó phản ánh đời sống xã hội, tục lệ, chính trị và hình ảnh của tâm hồn dân tộc ấy. Đất nước chúng ta đã nhận được từ những thế hệ trước nhiều hiện vật nghệ thuật lâu đời cần được bảo tồn nhằm hình thành và gìn giữ thẩm mỹ và cảm xúc nghệ thuật của những thế hệ tương lai”.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Ôn lại một chút những sự kiện và dấu mốc liên quan đến ngày Quốc tế cũng là cách hậu thế tưởng nhớ, hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, cội nguồn dân tộc. Để thấy rằng cội nguồn rất xa nhưng cũng rất gần và sinh động đến mức có thể "sờ nắn" được...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn